Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Hoàng gia Anh - nhà Windsor là vĩnh cửu

- Trích The Daily Telegraph; London -

Điều tưởng như rất phi lý, việc Hoàng gia Anh đã tồn tại qua thế kỷ 20, không những thế nó còn là cầu nối gắn chặt mội đoàn kết của quốc gia này. Tờ Daily Telegraph đã bình luận vậy nhân đám cưới của hoàng tử William, người tương lai sẽ bước lên ngai vàng Anh quốc.


Cách đây hơn một trăm năm, khi các nguyên thủ châu Âu tới dự lễ đăng quang của vua George V, ông nội của nữ hoàng Elisabeth. Dù buổi lễ rất lộng lẫy, nhiều nhà phân tích và quan sát lúc đó đều nhận định rằng Hoàng gia Anh sẽ không tồn tại nổi tới cuối thế kỷ 20.

Những đánh giá này hoàn toàn có cơ sở. Ở đầu thế kỷ 20, các Hoàng gia châu Âu lệch tông hoàn toàn so với thời đại dân chủ, cách mạng và đấu tranh giai cấp đang bùng nổ. Chỉ vài năm sau khi vua George V lên ngôi, một phần lớn các thể chế quân chủ ở các nước láng giềng bị xóa bỏ. Năm 1913, Đại công tước Franz Ferdinand, thái tử Áo, cùng vợ bị ám sát tại Sarajevo, châm ngòi cho Đại chiến thế giới lần thứ nhất đánh sập ba Đế quốc Đức, Áo-Hung và Nga.

Hoàng gia Anh vẫn đứng vững, dù cũng có những giai đoạn nhiều sóng gió, như thời điểm vua Edward VIII thoái vị năm 1936 hay sau cái chết của Công nương Diana năm 1997. Nó tỏ ra vững bền hơn bao giờ hết tại thời điểm này khi lễ cưới của hoảng tử William gần kề. Ta có thể giải thích như thế nào về sự trường tồn của một thể chế tưởng như đi ngược lại với thời đại này.


Thứ nhất việc Hoàng gia Anh còn vững vàng tới ngày nay là nhờ những nước cờ vô cùng thông minh của mình. Họ luôn biết cách chuyển mình cho phù hợp với thời đại. Những bậc quân vương Anh quốc trong thời buổi hiện đại đã chấp nhận những thỏa hiệp, từ bỏ nhiều quyền lợi của mình. Từ năm 1993, Nữ hoàng đã đóng thuế thu nhập cá nhân như mọi công dân khác.

Nhưng mọi toan tính chính trị không mạnh mẽ bằng khía cạnh tình cảm mà người dân xứ sở sương mù luôn dành cho Hoàng gia Anh. Chúng ta là một quốc gia thích gắn bó với những lễ nghi và truyền thống. Hoàng gia Anh là đại diện cho một quá khứ hào hùng và rực rỡ.

Đất nước, khi được Hoàng gia Anh đại diện, có vẻ như gần gũi với quần chúng hơn. Chúng ta xa lạ với những đạo luật được thông qua ở Quốc hội và chính phủ, với những phiên họp của Liên minh châu Âu ở Bruxelles. Nhưng chúng ta luôn chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn, nỗi thăng trầm của nhà Windsor.

Chỉ có một nhóm trí thức luôn chỉ trích Hoàng gia và muốn thiết lập một nền cộng hòa tại Đảo quốc sương mù. Họ phủ nhận thực tế rằng, một khi Hoàng gia Anh biến mất, người đại diện cho quốc gia này, có là người đứng đầu Đảng Lao Động hay Đảng Bảo thủ đi chăng nữa, sẽ khiến đất nước bị chia thành hai nửa, không thể nói mình là người đại diện hình ảnh cho toàn nước Anh.

Đó chính là lý do góp phần ổn định chính trị tuyệt đối tại Anh quốc trong suốt 200 năm qua. Như nhà văn George Orwell cũng phải thừa nhận: nhờ có Hoàng gia mà Anh quốc không đắm chìm trong chủ nghĩa phát xít vào thập niên 1930.

Những người ủng hộ việc thiết lập một nền cộng hòa thừa hiểu, một khi Nữ hoàng còn sống, họ không có bất kỳ một hy vọng nào. Nhưng sau khi Elisabeth II qua đời, Hoàng gia anh phải vô cùng sáng suốt nếu họ còn muốn trường tồn qua thế kỷ 21.

Peter Oborne

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Chiến sự tại Libya - Sơ khai và uể oải

- Trích Trud; Sofia -

Vassil Donev là phóng viên ảnh chiến trường người Bulgaria có mặt tại Libya từ đầu cuộc chiến. Anh đang tác nghiệp tại Benghazi, thủ phủ của phe đối lập, và gửi về những nhận xét ban đầu của anh về một cuộc chiến mà anh gọi là "Cuộc chiến uể oải".


"Từ một vài ngày nay, không có chiến sự lớn nào xảy ra, mà cuộc chiến này cũng kỳ lạ, nó hơi uể oải: Người ta đánh nhau một ít vào ban ngày rồi nghỉ ngơi vào ban đêm. Thương vong ở phe quân nổi dậy không chỉ do phía quân đội trung thành với Kahdafi gây ra, mà còn vì sự thiếu hiểu biết kiến thức quân sự của chính họ. Do đạn lạc, do làm nổ đạn dược... Như cách đây vài ngày, ba cậu thiếu niên 15 tuổi sau khi nghịch một súng máy hạng nặng đã để cướp cò, làm bị thương chính mình và nhiều người xung quanh.

Đám đàn anh thì chưa chắc đã thiện chiến hơn, như vài ngày trước tại Ajdabia, người ta đồn có một vụ nổ gây ra do một tay bắn tỉa núp trên một nhà cao tầng bắn trúng một quả đạn pháo. Dù sau đó quân nổi dậy lùng sục nhưng không sao tìm được tay bắn tỉa. Thương vong của cả hai phe là tương đối thấp, đa phần số người chết phía Kahdafi do không quân Phương tây tấn công lực lượng thiết giáp của họ. Dân địa phương đồn đại với nhau rằng lính lái tăng của Kahdafi bị xích lại ở trong xe để cấm họ bỏ trốn.


Tình hình hiện tại ở Benghazi khá yên tĩnh. Khi có tiếng súng nổ thì thực ra chỉ là tiếng súng bắn chỉ thiên để ăn mừng một điều gì đó. Các cửa hàng được tiếp tế đồ không thường xuyên lắm, nhưng những nhu yếu phẩm cần thiết thì vẫn đủ. Một vài nhà hàng, trong đó có hai quán đặc sản về cá và một quán pizza đã mở cửa trở lại; mỗi lần đi ăn tốn khoảng 4 euro. Còn xăng thì rất rẻ, gần như là cho không, chỉ vào khoảng vài chục cent một lít.

Đây là cuộc chiến mà không có chiến tuyến. Cả hai phe liên tục tiến rồi lùi. Thành phố Ajdabia đã đổi chủ nhiều lần. Quân nổi dậy tập trung trên trục quốc lộ nối Ajdabia và Brega. Thi thoảng họ bắn một quả đạn pháo, một quả rốc-két về một mục tiêu không xác định nào đó. Còn nếu bị pháo kích, ngay cả khi ở rất xa, tất cả mọi người lên xe phóng nhanh rút lui và bắn về mọi phía."

Vassil Donev

Các bài liên quan:

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Chuyến viếng thăm của Barack Obama tới Facebook

- Trích The Washington Post; Washington -

Barack Obama vừa có chuyến viếng thăm tổng hành dinh của mạng xã hội Facebook, giữa ông và mạng xã hội này luôn tồn tại "một tình yêu lớn".


Tổng thống Obama và Mark Zuckerberg vừa cập nhật Relationship Status của họ. Họ hiện thời đang "In Relationship". Mark Zuckerberg bắt đầu bài giới thiệu công ty của mình bằng câu: "Xin lỗi mọi người vì hôm nay tôi căng thẳng một chút, vì hôm nay đến thăm chúng ta có Tổng thống Hoa Kỳ". Obama bước lên sân khấu và trả lời: "Xin chào mọi người, tên tôi là Barack Obama, và tôi chính là người bắt Mark phải thắt cravat ngày hôm nay."

Barack Obama yêu Facebook, và ngược lại Facebook cũng yêu Obama. Bằng việc viếng thăm trụ sở của hãng tại Palo Alto, Facebook đã được Nhà Trắng công nhận là một ông lớn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Còn mạng xã hội ngược lại sẽ giúp đương kim Tổng thống Mỹ trên đường chinh phục lượng cử tri trẻ, nhất là vào thời điểm ông bắt đầu hành trình chay đua tranh nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trên chuyến bay tới Palo Alto, chiếc Air Force One đã cho chiếu bộ phim The Social Network, nói về sự ra đời của Facebook. Trong khi Jay Carney, người phát ngôn của Nhà Trắng trả lời các nhà báo đi cùng rằng trong cuộc tranh cử cho Tổng thống Obama sắp tới, việc sử dụng các mạng xã hội sẽ được đặc biệt coi trọng. Một nhà báo có hỏi chuyến đi lần này có kèm mục đích quảng bá cho Facebook. Jim Carney trả lời rằng nó có mục đích quảng bá cho toàn bộ các mạng xã hội. Facebook có 500 triệu người sử dụng thường xuyên, và khả năng lan truyền thông tin của nó là điều không tưởng nổi.


Trong 500 triệu thành viên, đã có 45.000 ngàn người tới dự buổi gặp mặt. Hẳn họ phải đông hơn thế nữa nếu không có điều kiện bắt buộc là những ai có giấy mời đều đã từng phải "like" trang Facebook của Nhà Trắng. Còn Obama hôm đó chứng minh tại sao mình là người được mến mộ nhất trên mạng xã hội này (có 19 triệu fan). Ông thoải mái trả lời thẳng thắng mọi câu hỏi được chuyển lên từ phía người tới dự. Sheryl Sandberg, Tổng giám đốc của Facebook cũng phải thốt lên: "Tổng thống thoải mái như ở nhà của mình vậy".

Tất nhiên các câu hỏi đã được phía Facebook lọc trước. Mark Zuckerberg cũng thêm nhiều bình luận vào các vấn đề mà Obama đề cập. Như khi Tổng thống phát biểu rằng cho năm tài khóa tới, người giàu sẽ phải đóng nhiều thuế hơn, Mark đã bình luận: "Tôi không phàn nàn gì về điều này". Trong khi các ứng cử viên đảng Cộng hòa vẫn còn đang cùng nhau chơi ú tìm xem ai sẽ thực sự ra tranh cử, Obama đã không để mất thời gian mà có những bước tích cực đầu tiên trong công cuộc tái chinh phục trái tim cử tri Mỹ.

Dana Milbank

Các bài liên quan:

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Liệu Céline Dion có cứu nổi Las Vegas

- Trích Newsweek; New York -


Bị suy thoái nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính, thủ đô của những trò chơi đỏ đen đang khó khăn hồi phục. Trong khi hàng nghìn người vô gia cư đang sống trong những đướng cống ngầm của thành phố, trên mặt đất, toàn Las Vegas đang hy vọng vào sự trở lại của Celine Dion để hồi sinh.


Las Vegas, một buổi chiều tháng ba. Một đám đông tụ tập trước Ceasars Palace. Một chiếc Cadillac đen tiến tới sảnh và Celine Dion bước xuống tấm thảm đỏ rải hoa hồng để đón chào mình. "Welcome home, Céline!" đám đông hét lên, trong khi nhạc phim Ben Hur được cất lên từ những loa lớn.

"Tôi có cảm giác như chưa từng ra đi", Céline tâm sự. Nhưng từ khi cô rời Las Vegas, cách đây ba năm, thành phố đã suy sụp. Việc sa thải hàng loạt và tịch biên tài sản đã hủy hoại giấc mơ của hàng nghìn lao động đến làm việc tại Las Vegas với mộng đổi đời. Từ hai năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại, các casino khách sạn trên đại lộ Strip [hay còn gọi là Dải Las Vegas, trục đại lộ chính của Las Vegas] lỗ vốn. Tổng số tiền lỗ của các casino là vào khoảng 6 tỉ dollar. Tỉ lệ thất nghiệp chính thức là 14 %, tỉ lệ cao nhất tại Hoa Kỳ, còn nếu cộng thêm với những người bị cắt giảm giờ làm mà không hoàn toàn mất việc, thì tỉ lệ này là 26 %, tương đương với tại Libya, như giáo sư Stephen Brown của Đại học Nevada nhận xét. "Liệu mọi việc có thể tồi tệ hơn không", ông nói thêm, "câu trả lời là không".

Đây chính là lý do vì sao người ta lại tìm đến Céline Dion. Ngoài vị thế là một ngôi sao của mình, Céline còn được hy vọng sẽ là vị cứu tinh của Las Vegas. Tờ Las Vegas Sun đã có một bài phân tích lịch sử cận đại của thành phố trước Céline và sau Céline.

Céline Dion đã từng làm nên những điều kỳ diệu cho Ceasars Palace và casino cũng trả ơn cô rất hậu hĩnh về điều này. Cô sẽ được trả 100 triệu dollar cho 210 buổi công diễn trong vòng ba năm sắp tới. Tại lần lưu diễn trước, từ năm 2003 đến 2007, cô đã hát hơn 700 đêm kín khán phòng. Đã có hơn 3 triệu khán giả tới nghe show của Céline và thu về lợi nhuận hơn 400 triệu dollar. Trong lần lưu diễn này, theo đánh giá của Đại học Nevada, một mình Céline sẽ giúp thành phố thu về khoảng lợi nhuận 114 triệu dollar hàng năm, và cứu hàng ngàn việc làm.


Khán phòng Colosseum, 4200 chỗ, của Ceasars Palace không còn một chỗ trống, đã được xây dựng để phục cho show của Céline năm 2003, lần này chứng kiến buổi ra mắt của show mới của cô. Céline Dion bước lên sân khấu trong chiếc đầm Armani màu ngà. Toàn khán phòng đứng dậy. Nhiều người khóc mà không ngừng lại được. Céline cũng phải cố gắng để nước mắt không rơi. "Tôi rất hạnh phúc được quay trở lại nhà hát lộng lẫy này" cô nhìn toàn khán phòng "đây như một giấc mơ trở thành hiện thực." Céline Dion có một cách riêng để khiến bình thường hóa cuộc sống thần tiên cô đang sống tại Las Vegas; đó là điểm hấp dẫn ở cô. "Tôi biết nói như thế này là kỳ lạ", cô nhấn mạnh, "nhưng ngay cả khi sống cuộc sống bề ngoài có nhiều điều vượt ra ngoài khuôn khổ, tôi và gia đình vẫn là những bình thường như bao người khác." Khi được hỏi cô nghĩ gì với những dòng tít trên báo chí ví cô như vị cứu tinh của thành phố? "Tôi cảm động khi được nghe những điều này. Nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Khi chúng tôi kết thúc show cuối cùng lần trước. Cũng đúng là lúc kinh tế gặp khủng hoảng..."

Có hai người chứng kiến cuộc khủng hoàng lần này rõ nét hơn những người khác là Patrick Geary và Kristy Henderson của sở cảnh sát Las Vegas. Họ được ăn hoa hồng từ những hãng thu hồi vốn bằng việc chuyên đi tịch biên lương và bất động sản của những người đã quá hạn trả nợ theo yêu cầu của tòa án. Ví dụ Geary được hưởng 42 dollar cho mỗi lần thu hồi bất động sản thành công, và có thu nhập hàng năm khoảng 80.000 dollar. Kristy Henderson cũng là người thông báo điều tồi tệ nhất cho hàng nghìn nhân viên trên Đại lộ Strip. Đã có ba casino lớn phá sản và 6 dự án bất động sản với giá hàng tỉ dollar đang bỏ trống.

Tại cực nam của Dải Las Vegas, nơi gần tấm biến "Welcome to Las Vegas", một con đường nhỏ rải bê tông dẫn tới hệ thống ngầm thoát nước mưa của thành phố hiện đang là nơi trú ngụ của hàng nghìn người mất việc và mất nhà. Nhiều người trong số họ mới bị sa thải. Đây là khu vực duy nhất của thành phố mà cảnh sát Las Vegas cũng như lực lượng an ninh của các casino không phiêu lưu tới. Họ ngày càng đông hơn từ sau cuộc khủng hoảng, Matthew O'Brien, tác giả cuốn Beneath the Neon [Dưới ánh đèn nê ông] xuất bản năm 2007 viết về những cư dân sống trong hệ thống ngầm của Las Vegas, nhận xét.

Cuộc sống tại đây khó khăn và nguy hiểm. Toàn bộ hệ thống ngầm có thể bị ngập hoàn toàn trong vòng vài phút nếu có mưa lớn, còn tỉ lệ tội phạm thì rất cao. Nhưng Oscar Goodman, thị trưởng Las Vegas, thì dường như không hề lo lắng về điều này. Ông tự đánh giá mình là "người thị trưởng hạnh phúc nhất của thành phố đẹp nhất thế giới" và tràn đầy lạc quan về tương lai của Las Vegas. Trong phòng làm việc ngập ảnh chụp cùng các siêu sao của mình, ông trả lời phỏng vấn: "Tình hình kinh tế của Las Vegas đang rất tốt... Tôi không lo lắng điều gì cả." Còn về việc 140 000 việc làm đã biến mất – "Tôi không nghi ngờ chút nào về việc chúng sẽ xuất hiện trở lại." Trước câu hỏi năm ngoái, số lượng khách du lịch tới đây đã giảm 2 triệu người – "Hãy cho họ thời gian để mua một tấm vé tới đây"

Ngài thị trưởng cũng như toàn bộ mọi người đều hạnh phúc khi thấy Céline Dion quay trở lại. "Tôi đã cầu nguyện để cô ấy quay trở lại đây, và cám ơn Chúa", ông nhấn mạnh. Một vài phút sau khi buổi biểu diễn kết thúc, quầy bán đồ lưu niệm của Colosseum trật ních người. Nhưng Céline Dion không chỉ làm giàu cho dân kinh doanh đồ lưu niệm. Hãng hàng không Air Canada đã tuyên bố sẽ tăng số chuyến bay Quebec – Las Vegas để phục vụ lượng fan của diva. Cô là một ngôi sao tại Canada từ năm 13 tuổi. Khi đã phát hành 4 album bằng tiếng Pháp, năm 16 tuổi, sau khi xem Michael Jackson, thần tượng của cô trên truyền hình, cô đã quyết định học tiếng Anh để một ngày sánh ngang cùng MJ. Céline đã bán được 215 triệu album trên toàn thế giới, và đặc biệt được hâm mộ tại nước ngoài – điều mà các casino của Las Vegas đang mong muốn thu hút lượng khách Á Châu. "Các khách hàng lớn nhất của chúng tôi đều mong muốn được tới nghe Céline hát." Gary Celesner, chủ tịch của Ceasars Palace hào hứng. "Bạn có thể vào tất cả các bar trên thế giới, từ Tanzania cho tới Thượng Hải – bạn đều có thể thấy bật các bài hát của Céline"

Trước khi Céline tới Las Vegas, các show âm nhạc tại đây chỉ vỏn vẹn có nghệ sĩ music-hall Liberace, hay một số người đóng giả Elvis Presley. Từ khi Céline Dion tới Las Vegas, một số siêu sao có tuổi cũng bắt đầu tổ chức show trên đại lộ Strip như Cher và Bette Midler, hay Shania Twain cũng đang đàm phàn cho một chương trình. Céline Dion đã thay đổi hình ảnh về tầm cỡ các nghệ sĩ tổ chức show thường xuyên tại Las Vegas, khiến một số sao cỡ bự cũng tiếp bước cô. Nhưng không phải ai cũng may mắn như Céline, cô nhận cát-sê 500.000 dollar cho mỗi show. "Nếu họ mời tôi tức là họ tổ chức show có lãi" nữ diva tuyên bố. Sau nhiều năm suy thoái, Las Vegas chỉ còn biết cầu nguyện, như lời ca của Frank Sinatra: "Luck, be a lady tonight".

T. Dokoupil, R. Setoodeh và S. Friess

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Vì sao Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2006, bị đá khỏi chính ngân hàng do mình tạo dựng lên

- Trích Indian Express; New Dehli -

Khi đá văng cha đẻ của mô hình tín dụng vi mô (cho người nghèo vay những khoản vay nhỏ) ra khỏi ngân hàng do mình tạo dựng lên, chính phủ Bangladesh đã quyết tâm truất quyền độc lập của tổ chức chuyên hỗ trợ người nghèo này.


Vào tháng 12 năm 2010, Muhammad Yunus, cha đẻ của thuật ngữ tín dụng vi mô, người sáng lập ra ngân hàng Grameen và đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2006, đã bị nữ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina gọi là "một con đỉa". Bà lên án Yunus làm giàu trên lưng của người nghèo, khi khuyến khích họ vay tiền với mức lãi suất cao. Những lời tố cáo của vị đứng đầu chính phủ chống lại công dân Bangladesh nổi tiếng nhất thế giới bắt nguồn từ một bộ phim tài liệu, Fanget I Mikrogjeld [Tù nhân của tín dụng vi mô], được chiếu tại Na Uy ngày 30 tháng 11 năm 2010. Tín dụng vi mô như mô hình xóa đói giảm nghèo bị chỉ trích kịch liệt.

Chính quyền sở tại đã quyết định ra tay. Ngày mùng 2 tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Trung Ương đã ký quyết định bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc ngân hàng Grameen của ông. Yunus đã kháng án lên Tòa án tối cao Dacca, nhưng yêu cầu của ông bị từ chối với lý do ông đã hơn 60 tuổi, tuổi tối đa để giữ một chức vụ trong ngành ngân hàng. Cuộc tấn công vào Yunus lần này sẽ còn những ảnh hưởng khác ngoài nhằm vào cá nhân ông. Tương lai của ngân hàng Grameen sẽ là gì? Nó sẽ bị quốc hữu hóa hoàn toàn?


Ngân hàng Grameen là tổ chức có mô hình độc đáo duy nhất, nó thuộc quyền sở hữu của 8,3 triệu người vay vốn của ngân hàng. 8,3 triệu người này bầu ra 9 đại diện trong Hội đồng quản trị của nhà băng trong tổng số 12 người. Mọi người lo sợ rằng nhà nước sau khi đá văng Yunus, sẽ thu Grameen Bank vào tay mình và phá hủy tất cả những gì ông đã gây dựng. Trong số 8,3 triệu người vay vốn, 95 % là phụ nữ, mỗi tháng có khoảng 10 tỉ taka [95 triệu euro] được vay, ngân hàng là một tổ chức khổng lồ.

Vậy còn tương lai của mô hình tín dụng vi mô thì sao. Thủ tướng Sheikh Hasina thì khẳng định nó không hề giúp xóa đói giảm nghèo, mà chỉ kéo dân nghèo vào cái vòng nợ nần luẩn quẩn. Chính phủ của bà Sheikh Hasina liệu sẽ cho dân vay vốn với lãi suất hấp dẫn hơn của các ngân hàng tín dụng vi mô? Hay những người chỉ trích mức lãi suất cao chỉ hoàn toàn để tấn công Yanus mà không hề dựa vào tình hình thực tế.

Chính xác ra, "tội" lớn nhất của Yanus là đã không ủng hộ chính phủ hiện tại. Chỉ một điều chắc chắn, Giáo sư Yanus vẫn luôn ở trong trái tim của người dân Bangladesh như con người đã khiến cả hành tinh hào hứng vì công cuộc xóa đói giảm nghèo, người đã khiến quốc gia của mình được kính trọng và vị nể.

Bối cảnh: Tín dụng vi mô đang bị chỉ trích nặng nề những tháng gần đây. Hai ngân hàng lớn dạng này ở Ấn Độ kà SKS và Spandana bị tố cáo cho vay nặng lãi khi lãi suất của họ là từ 24 % cho đến 40 %. Grameen Bank cũng không xa lạ gì với mức lãi suất cao, nhưng họ là ngân hàng đầu tiên cho người nghèo vay tiền. Nếu không, người nghèo tại nông thôn chỉ có thể vay của những người cho vay nặng lãi với mức lãi suất lên đến 100%. Hiện nay, Grameen Bank có khoảng 100 triệu khách hàng toàn cầu.

Mahfuz Anam

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Bài trả lời phỏng vấn cuối cùng của Ngải Vị Vị trước khi bị bắt

- Trích Süddeutsche Zeitung; Munich -

Đôi dòng giới thiệu về ông Ngải Vị Vị: Là con nhà báo, nhà thơ nổi tiếng Ngải Thanh, một vị lão thành cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Ngải Vị Vị được đi du học ở Mỹ và có một thời gian sống tại New York.

Ông về nước và trở thành một nhân vật danh tiếng trong phong trào nghệ thuật mới của nước Trung Hoa thời Khai phóng, là một trong những nghệ sĩ Trung Hoa được biết tới nhiều nhất tại nước ngoài. Không chỉ là người thiết kế sân vận động hình Tổ Yến cho Olympics tại Bắc Kinh, ông còn là nhà bình luận nhiều vấn đề xã hội Trung Quốc.

Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ, nhà hoạt động, và nhà triết học người Hoa hoạt động tích cực trong lĩnh vực kiến trúc, nhiếp ảnh, phim ảnh, phê bình văn hoá và xã hội. Ông đã hợp tác với các kiến trúc sư Thuỵ Sĩ Herzog & Meuron với tư cách là cố vấn nghệ thuật cho công trình Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh xây trong sự kiện thế vận hội 2008. Bênh cạnh lĩnh vực nghệ thuật, ông còn tham gia điều tra tham nhũng ở nhiều đề tài nhức nhối trong xã hội, như ông phơi bày các vụ scandal tham nhũng trong việc xây dựng các trường học ở Tứ Xuyên bị sập đổ trong trận động đất năm 2008, khiến hơn 5000 học sinh thiệt mạng. Ngày 3 tháng 4 năm 2011, công an Trung Quốc đã bắt giữ ông tại sân bay Bắc Kinh và xưởng vẽ của ông ở thủ đô bị niêm phong. Trước đó, xưởng vẽ của ông tại Thượng Hải cũng bị phá sập với lý do không có giấy phép xây dựng.

Trước khi bị bắt vài ngày, ông đã có buổi trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung


Các dự án hiện tại của ông đang là gì thưa ông?

Tôi đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ Thuật Đài Loan. Nó sẽ được khai mạc vào ngày 29 tháng 10 sắp tới.

Đây có lẽ là lần đầu tiên ông tổ trức triển lãm tác phẩm tại Đài Loan, có đúng vậy không thưa ông?

Còn hơn thế nữa. Nếu Đài Loan đúng là một phần không thể tách rời của Trung Hoa Đại lục, như chính quyền vẫn khẳng định, thì đây là lần đầu tiên tôi có triển lãm chính thức tại Trung Quốc (cười). Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ được phép làm điều này.

Nhưng gần đây ông đã từng thử, như đáng lẽ ra trong tháng ba vừa rồi, ông đã có cuộc triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Ullens, tại Bắc Kinh.

Vâng. Nhưng cuộc triển lãm đã bị ngăn cản. Tôi đã làm việc trong vòng một năm rưỡi cho cuộc triển lãm này, trước khi nó bị cấm. Xưởng của tôi tại Thượng Hải bị phá tan tành [vào tháng 1 năm 2011].

Tình hình có trở nên khó khăn hơn đối với các nghệ sĩ chỉ trích chính quyền?

Gần đây, họ có thể bỏ tù một người chỉ vì anh ta viết gì đó trên twitter hay blog. Họ cắt điện thoại, theo dõi, khám nhà giữa đêm. Sau đó họ sản xuất những bằng chứng chống lại bạn tại tòa án. Họ kết án những người vô tội 10 năm tù giam. Như người cuối cùng là Lưu Hiền Bân [nhà hoạt động nhân quyền vừa bị kết án ngày 25 tháng ba 10 năm tù giam vì tội "kích động lật đổ nhà nước"].

Ông cũng lên tiếng ủng hộ những người đấu tranh ở nhiều đề tài nhức nhối trong xã hội, như những người muốn điều tra tại sao có nhiều trường học ở Tứ Xuyên bị sập đổ đến vậy trong trận động đất năm 2008.

Như Đàm Tác Nhân [tác giả một hồ sơ điều tra về nguyên nhân sập đổ của các ngôi trường, bị kết án 5 năm tù vào tháng 2 năm 2010]. Tôi ủng hộ những người như vậy. Những người sẽ ngồi tù nhiều năm. Một số khác chỉ đơn giản là biến mất. Gia đình họ không có tin tức gì. Không một ai có thể biết hiện tại họ đang ở đâu [hàng chục người đã biến mất như vậy trong hai tháng vừa qua trong đó có nhiều luật sư]. Thử hỏi chúng ta đang sống trong một xã hội như thế nào?

Trong khi đó, một triển lãm Đức đang được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn với tên gọi "Nghệ thuật của thế kỷ Ánh sáng". Ông nghĩ gì về điều này?

Đây là một sự mỉa mai tếu táo khi một cuộc triển lãm mang tên "Nghệ thuật của thế kỷ Ánh sáng" lại được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn, vì người Trung Quốc chúng tôi đang sống trong "kỷ nguyên của Bóng tối". Sự phát triển kinh tế khiến cuộc sống vật chất của người dân được cải thiện. Nhưng, tại Trung Quốc, chúng tôi đang ở mực độ thấp nhất của tự do ngôn luận, tự do sáng tạo nghệ thuật. Đây là điểm đáy mới của xã hội của chúng tôi.

Ông đã một lần bị cảnh sát đánh trọng thương đến mức phải sang Munich phẫu thuật chống chảy máu não vào tháng 9 năm 2009. Trước sự đàn áp như trên, liệu đã bao giờ ông nghĩ tới việc sẽ đi di cư?

Không. Không bao giờ. Nhưng tôi thường gặp ác mộng. Lần cuối cùng là cách đây hai ngày. Tôi thấy mình đang trong cuộc họp của một dạng tổ chức mật, nhiều người khóc, tôi ghi lại tất cả. Nhưng rồi tôi lại không được nói ra tất cả những gì mình đã ghi lại được. Tôi có cảm giác giấc mơ kéo dài suốt cả đêm như vậy. Nhưng điều ngạc nhiên là có rất nhiều khách du lịch khắp mọi nơi. Họ nhìn thấy tất cả nhưng chẳng làm gì cả. Như điều mà họ nhìn thấy là một việc bình thường vậy.

Ông vẫn không có ý định sẽ đi di cư.

Không, đấy là điều cuối cùng mà tôi sẽ nghĩ tới. Cán bộ an ninh của chính phủ cũng đã khuyên tôi điều này khi họ thẩm vấn tôi. Họ nói tốt hơn hết là tôi nên ra nước ngoài, tôi là một nghệ sĩ có tiếng, ở đây sẽ nguy hiểm cho tôi. Nhưng điều đó là điều cuối cùng mà tôi nghĩ tới.

Ngay cả khi ông trực tiếp bị đe dọa?

Tôi biết việc mình ở lại sẽ nguy hiểm. Nếu đọc lại lịch sử đất nước tôi, những ai đặt lại câu hỏi về chính quyền thường không có cái kết tốt đẹp.

Ông có nghĩ rằng một nghệ sĩ tại Trung Quốc ngày nay có thể góp phần làm thay đổi xã hội, như thế kỷ Ánh sáng đã làm được tại châu Âu.

Rất hạn chế. Với nước Trung Quốc chính thức, thì tôi không tồn tại nữa. Nếu bạn tìm tên tôi trên internet, thì bạn sẽ nhận được một thông điệp báo lỗi. Tôi đã được làm "hài hòa" [Thuật ngữ vui để chỉ việc bị kiểm duyệt trên internet]. Nhưng tôi có 70.000 fan trên Twitter, mà với một số thủ thuật công nghệ vẫn có thể đọc được tại Trung Quốc. Tôi vẫn bình luận các vấn đề xã hội, để mọi người thấy là ngọn lửa còn chưa tắt, vẫn còn những tia sáng. Nếu nó cũng tắt nốt, quả là sẽ quá buồn.

Ông là một trong những người Trung Quốc hiếm hoi không ngại trả lời thẳng thắn báo chí quốc tế. Ông có ngại rằng điều này về lâu về dài sẽ khiến ông gặp nguy hiểm?

Có. Tôi vẫn luôn hỏi là tại sao truyền thông nước ngoài không chọn phỏng vấn một người khác. Điều này sẽ tốt hơn rất nhiều đối với tôi. Nếu có một người khác như tôi, gánh nặng trên vai tôi sẽ giảm một nửa. Nếu có 10 người như tôi, gánh nặng của tôi sẽ giảm xuống 10 lần. Nhưng hiện tại chỉ có một mình tôi. Cũng thú vị. Nhưng tôi cũng rất sợ.

Bố của ông, nhà thơ nổi tiếng Ngải Thanh, đã bị cầm tù và tra tấn dưới thời Quốc Dân Đảng, sau đó, bị Mao Trạch Đông cho đi cải tạo và cấm xuất bản trong vòng 20 năm. Với những gì đang xảy ra đối với giới tri thức hiện tại tại Trung Quốc, liệu chúng ta có thể kết luận rằng chẳng có sự tiến bộ nào trong lĩnh vực tự do cá nhân cả.

Đúng vậy. Không có sự tiến bộ nào. Vì vẫn cùng một nguyên nhân đấy: Người có quyền lực không muốn nghe lời chỉ trích. Họ muốn nghiền nát chúng. Họ không bao giờ muốn có một cuộc đối thoại thẳng thắn. Tại sao cùng ngồi xuống và trao đổi ý kiến với nhau lại khó khăn đến vậy?

Cuộc triển lãm "Nghệ thuật của tự do" là một dịp để thực hiện điều này. Nó có kèm một cuộc đối thoại với các nghệ sĩ. Ông có được mời không thưa ông.

Không, tôi không chính thức được mời. Tôi nghĩ là những người Trung Hoa tham dự việc tổ chức không muốn tôi có mặt. Sẽ là làm khó cho Bộ Văn hóa. Trong khi đây là một việc nên làm. Họ nên mời tôi.

Nhưng nếu các đối thoại không thực sự mở, thì nó có còn ý nghĩa nữa không?

Nó vẫn tốt hơn là không có gì cả. Nước Đức luôn có những điều đẹp để trình bày. Vấn đề là làm sao kết nối được những điều đó với thực tế hiện tại. Nếu không nó chỉ là một nghĩa cử giữa hai chính phủ. Chúng tôi, người Trung Quốc, đã sẵn sàng chấp nhận những giá trị của thế kỷ Ánh sáng hay chưa. Hai thế kỷ sau, chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng. Nên chính vì vậy cuộc triển lãm về thế kỷ Ánh sáng được tổ chức ở đây là một điều hay. Vì tình hình tại Trung Quốc bây giờ rất điên rồ, nếu phải đặt một cái tên cho nó, tôi sẽ gọi là "Kỷ nguyên rồ dại".

Henrik Bork

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Chính sách khuyến khích tăng trưởng dân số của Singapore

- Trích The Straits Times; Singapore -

Tỉ lệ sinh ở Singapore đang là quá thấp để có thể đảm bảo tương lai kinh tế của quốc đảo. Chính phủ Singapore đã có nhiều chính sách nhằm cải thiện điều này. Nhưng có lẽ là chưa đủ theo đánh giá của tờ “The Straits Times”, cần phải tham khảo nhiều hơn mô hình của Thụy Điển và Pháp.


Đã đến lúc chính phủ Singapore đưa ra những chính sách thiết thực hơn nhằm đảo ngược lại tình trạng suy giảm dân số của quốc đảo này. Đây là một bài toán đã tồn tại từ rất lâu nay. Từ năm 1983, vấn đề đã được đặt ra khi tỉ lệ sinh ở Singapore là 1,61 trẻ em trên một phụ nữ, so với con số là 2,1 trẻ em ở thời điểm bảy năm trước đó, một con số vừa đủ để giữ ở mức cân bằng dân số.

Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đó đã phát biểu mỗi người dân Singapore phải có trách nhiệm sinh con đẻ cái, nếu không nền kinh tế của Đảo quốc Sư tử sẽ suy thoái. Nhiều chính sách đã được áp dụng nhằm hộ trợ điều này gồm: giảm thuế cho những gia đình có con nhỏ, cùng việc mở thêm nhiều trường học. Năm 2000, Thủ tướng Goh Chok Tong còn ký quyết định hỗ trợ ngay 1 500 dollar cho mỗi trẻ ra đời, và thời hạn của việc nghỉ đẻ vẫn được hưởng lương là 8 tuần lễ.

Nhưng mọi biện pháp đều không mang lại những kết quả mong đợi. Vào năm 2004, khỉ tỉ lệ sinh là 1,26, các bà mẹ có quyền có thời hạn nghỉ đẻ được tăng lên 12 tuần lễ, hỗ trợ tiền thuê người giúp việc và trông trẻ nhỏ, được quyền có hai ngày nghỉ khi trẻ ốm, và khoản tiền trợ cấp khi sinh con cũng được nâng lên một mức mới.


Năm 2009, tỉ lệ sinh giảm xuống mức kỷ lục là 1,22, trong khi các chuyên gia dự đoán con số này của năm 2010 còn tiếp tục đi xuống.

Nếu chúng ta chấp nhận thực tế rằng khi một quốc gia càng giàu, tỉ lệ sinh càng giảm, thì cũng có một thực trạng khác rằng khi đã đạt đến một mức phát triển nhất định, thì trào lưu này lại đổi chiều. Khi đó phụ huynh có thể yên tâm sinh con mà không cần lo lắng nhiều đến các vấn đề tài chính trong tương lai. Đấy là trường hợp của các quốc gia như Thụy Điển, Na Uy hay Pháp, nơi tỉ lệ sinh đã vượt ngưỡng 1,8 trẻ em trên mỗi phụ nữ.

Để đạt được điều đó, Singapore nên tham khảo một số chính sách đang được áp dụng tại các quốc gia kể trên. Tại Pháp, khi sinh từ con thứ ba trở lên, nếu phụ huynh muốn nghỉ không ăn lương ở nhà, chính phủ sẽ hỗ trợ 750 euro hàng tháng.

Ngoài ra, các chi phí cho việc hoạt động của các nhà trẻ cùng được chính phủ hỗ trợ tối đa. Như ở Thụy Điển, tổng số tiền mà phụ huynh đóng góp chỉ chiếm 11 % số tiền cần thiết để duy trì hoạt động của các nhà trẻ, và không bao giờ được phép vượt qua 3 % số lương của mình.

Còn tại Singapore, tiền giữ trẻ là vào khoảng 550 tới 1 000 dollar mỗi tháng, trong khi chính phủ chỉ hỗ trợ 300 dollar. Khi lương tháng trung bình của người Sing ở mức 2 700 dollar, tức riêng tiền giữ trẻ sẽ ngốn mất từ 10 % đến 30 % số lương tháng, một chi phí quá lớn.

Tất nhiên, chính sách hỗ trợ sinh sản rất tốn kém. Như năm 2009, Thụy Điển đã chi 2 % tổng số GDP của mình để duy trì các nhà trẻ và 0,8 % để trả lương cho các phụ huynh đang xin nghỉ đẻ. Cùng thời gian, Singapore chỉ mất 1,6 tỉ đô la cho chính sách của mình, tức khoảng 0,6 % GDP. Nếu quốc gia chúng ta muốn tháo gỡ “quả bom dân số nổ chậm” này, chúng ta nên đặt những câu hỏi chuẩn xác hơn về việc vì sao chúng ta chưa thành công.

Thực tế tại Thụy Điển: Đây là quốc gia có chính sách hỗ trợ phát triển dân số giàu tham vọng nhất. Nơi tỉ lệ sinh hiện tại là khoảng 1,88 trẻ em trên một phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Từ khi trẻ sinh ra cho đến khi trẻ 8 tuổi, các phụ huynh có quyền có 15 tháng xin nghỉ phép (ăn 80 % lương). Các nhà trẻ chất lượng qua và giá rẻ. Trung bình mỗi gia đình Thụy Điển chỉ phải trả 3 % tổng số thu nhập cho việc giáo dục của trẻ.

Li Xueying

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Lobsang Sangay - Người thay thế Đức Đạt-lai Lạt-ma

- Trích Courrier international; Paris -

Phải tới ngày 27 tháng 4, chúng ta mới có thể khẳng định chắc chắn việc Lobsang Sangay có thắng cử trong cuộc bỏ phiều bầu vị Kalon Tripa, tức Thủ tướng của Chính phủ Tây Tạng lưu vong hay không. Nhưng kết quả chắc không có nhiều bất ngờ, vì nhân vật tốt nghiệp trường Harvard này đã dẫn đầu áp đảo trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, diễn ra trong tháng 10 năm 2010, khi dành được hơn nửa số phiếu hợp lệ thu về. Nhiệm vụ sắp tới của Lobsang Sangay là thay thế Đức Đức Đạt-lai Lạt-ma trong việc điều hành chính phủ Tây tạng tại Dharamsala khi Sư muốn lui về chỉ đơn thuần giữ giữ vai trò lãnh đạo tinh thần.

Có khoảng 85.000 người Tây Tạng lưu vong sống rải rác tại Hoa Kỳ, Ấn Độ, Châu Âu và nhiều quốc gia khác đã được mời chỉ định một cách dân chủ nhà lãnh đạo sẽ kế nhiệm Sư. Lobsang Sangay sinh ra và tại Ấn Độ, vùng Darjeeling vào năm 1968. Ông học phổ thông tại một trường dành cho những người tị nạn trước khi học Đại học tại Dheli. Năm 1992, ông tham gia Ban chấp hành tổ chức Tibet Youth Congress, một tổ chức ủng hộ một nhà nước Tây Tạng độc lập. Vì điều này mà báo chí chính thống Trung Quốc thường gọi ông là "một tay khủng bố". Năm 1995, ông nhận học bổng Fullbright và sang học luật tại Đại học Harvard trước khi tốt nghiệp tiến sĩ tại trường. Hiện nay ông đang làm nghiên cứu mảng luật Đông Á tại Harvard.


Tờ Boston Globe đánh giá cao khả năng ngoại giao của Lobsang Sangay trong quá trình hoạt động khoa học tại Hoa Kỳ. "Là người ủng hộ nhiệt thành việc bất bạo động giữa người Hoa và người Tây Tạng, tại nhiều buổi hội thảo được tổ chức tại Harvard, cả hai bên đã có thể trao đổi, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau. Nếu một ngày Bắc Kinh quyết định trao nhiều quyền tự quyết hơn cho Tây Tạng, thì hạt mầm của điều đó chắc chắn đã được reo tại một phòng họp của trường Harvard này. Và Lobsang Sangay đã chứng minh được rằng mình là một người biết cách đối thoại."

Nhưng ông cũng là một người có tính cách mạnh mẽ. Ví dụ như Lobsang Sangay đã bất cẩn khi tuyên bố vào năm 2007 trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ rằng có thể mình một ngày sẽ là "Barack Obama của Trung Quốc". Ông có giải thích sau đó đây chỉ là một câu đùa, và ông cũng như Barack Obama đều là những người gốc thiểu số tại quốc gia của mình. Nhưng tờ Tibetan Political Review thì nhận xét "đây không hẳn là một câu đùa, mà là suy nghĩ của Lobsang Sangay rằng nếu Tây Tạng không thể độc lập, thì người Tây Tạng phải bắt đầu tham gia vào xã hội và hệ thống chính trị Trung Hoa."

Các bài liên quan:

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Obama chưa đủ thuyết phục với các quốc gia Ả rập

- Trích The Washington Post; Washington -

Ngày 23 tháng 3 vừa rồi, Merette Ibrahim, một nữ nhà báo người Ai Cập đã tham dự bàn tròn đàm luận được tổ chức nhân chuyến công du tới Cairo của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates. Cô là một người ủng hộ nhiệt thành cuộc đấu tranh dân chủ vừa qua, chúng ta có thể hình dung cô cũng sẽ là một người ủng hộ tổng thống Obama, người đang bảo trợ cho Ai Cập thời kỳ đổi mới. Nhưng thực tế lại ngược lại. Cô nhấn mạnh, người Ai Cập đang đánh giá chính sách của Barack Obama rất nửa vời.

Các nhà báo Ai Cập nhắc lại vài điểm mâu thuẫn trong các hành động của tổng thống Hoa Kỳ: Obama tuyên bố không ủng hộ can thiệp quân sự vào Libya rồi đổi ý; ông ủng hộ Hosni Moubarak đến tận ngày cuối cùng trước khi lại quay ngoặt yêu cầu tổng thống Ai Cập phải ngay lập tức từ bỏ quyền lực của mình. Obama không muốn kéo nước Mỹ vào trình trạng hỗn loạn đang xảy ra nới đây, nhưng chính điều này khiến tình hình Trung Đông và Bắc Phi lại càng thêm rối bời. Thay vì có thể là một tác nhân của Lịch sử, Obama lại đang chỉ đơn thuần là người theo dòng Lịch sử.

Nhưng vẫn còn kịp để tổng thống Obama thay đổi điều này, sau đây là một số việc mà ông nên làm hay tuyên bố trong những tuần tới để các đồng nghiệp của tôi tại Ai Cập hiểu rõ vai trò và vị thế của nước Mỹ hơn. Thứ nhất, tổng thống phải làm mọi điều có thể trong quyền hạn của mình để cuộc cách mạng ở Ai Cập thành công. Ai Cập đang cần hai yếu tố: một chương trình hỗ trợ tài chính để cứu nền kinh tế đang chắc chắn đổ vỡ của quốc gia này. Và sự trợ giúp đào tạo một lực lượng an ninh hiệu quả, để có thể đối phó với tình trạng hỗn loạn sau mỗi cuộc cách mạng thành công.


Thứ hai, tổng thống không nên do dự bảo vệ các bạn bè của Hoa Kỳ trong khu vực, ngay cả khi nó là những chế độ quân chủ chuyên chế. Ví như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có không hoàn hảo, thì nó cũng tiến bộ và tự do hơn Iran, Nga hay Trung Quốc. Ả Rập Saudi có vấn đề, thì nó cũng không phải là mối hiểm họa như Iran. Ủng hộ sự thay đổi không đồng nghĩa với đặt một khối thuốc nổ trong đống baril dầu mỏ, điều sẽ làm nổ tung nền kinh tế toàn cầu.

Thứ ba, Obama cũng nên mở rộng sự hỗ trợ với lực lựng chống đối Khadafi không chỉ bằng chiến dịch không kích. Hãy bí mật giúp đỡ lực lượng bán vũ trang trên bộ của họ. Hãy nên lấy ví dụ chúng ta đã lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan như thế nào. Người Ả rập muốn tống khứ Kahdafi, nhưng họ không muốn có một Irak khác nữa.

Cuối cùng, tổng thống Obama phải tới vùng Trung Đông này và nắm bắt mọi việc. Tôi hiểu mong muốn của ông muốn tránh xa anh đèn sân khấu, nhưng đó là một sai lầm. Những gì đang xảy ra ngày hôm nay là một thời khắc lịch sử, cũng quan trọng như khi bức tường Berlin sụp đổ. Ngài Obama không nên bỏ lỡ thời khắc này. Ông nên đến Cairo, và nếu có thể, tới cả Bahrein và Damas nữa. Ông nên lắng nghe quần chúng ở đây muốn bộc bạch điều gì và gửi cho họ tiếng nói chân thành, mạnh mẽ và cần thiết của nước Mỹ.

David Ignatius

Các bài liên quan: