Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Đừng mơ ôm mộng bá vương khi đầu tư vào Trung Quốc

- Trích Want Daily; Đài Bắc -

Theo một tài liệu của Wikileaks, chính quyền Trung Hoa lo ngại khi thấy tập đoàn Citygroup đang trở nên quá lớn mạnh tại thị trường Trung Quốc, đã lập một đoàn kiểm tra gồm hơn 40 thành viên và làm việc với Citigroup trong suốt một tháng ròng. Đây như là một đòn cảnh cáo đối với Citygroup. Sự việc này khiến ta nhớ lại quyết định rút lui khỏi thị trường Trung Quốc của Google khi không ngừng bị tấn công khi bước vào thị trường này.

Citi và Google, ngay cả với vị thế là những người khổng lồ trong lĩnh vực tài chính và tin học, đều đã chấp nhận bị đo ván khi muốn phát triển tại Trung Hoa, đất nước đông dân nhất thế giới, có tốc độ phát triển đến chóng mặt và vừa trở thành nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Google cay đắng rút lui và nhìn các doanh nghiệp Trung Hoa chia nhau thị phần hàng trăm triệu người sử dụng Internet tại Trung Quốc.

Theo như Wikileaks tiết lộ, quyết định đánh Google được đồng chí Lí Trường Xuân, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tuyên huấn Trung Hoa, quyết định, sau khi đồng chí nhập tên mình vào và ngay những dòng đầu đã gặp những bài chỉ trích bản thân.


Nếu như Google rất khó có thể được chính quyền Trung Hoa chấp nhận do họ luôn giữ quan điểm tự do ngôn luận và không chịu kiểm soát thông tin của mình. Thì trường hợp của Citigroup không xuất phát từ sự bất đồng quan điểm. Nó chính xác hơn có nguyên nhân ở chỗ Bắc Kinh lo ngại Citigroup trở nên quá hùng mạnh để có thể kiểm soát thị trường tài chính Trung Hoa. Một điều mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận.

Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang kêu ca rằng môi trường đầu tư vào Trung Quốc đang bị thắt chặt lại. Có hàng trăm đoàn kiểm tra kiểm soát mà chỉ thường rất chặt chẽ với các doanh nghiệp nước ngoài. Vụ việc của Citigroup chỉ như phần đỉnh của một tảng băng trôi. Nó như một ví dụ để Bắc Kinh phát đi tin nhắn "Đất có thổ công, sông có Hà bá.", nếu ai không muốn chấp nhận nó, hãy cứ nhìn ví dụ của Google và Citi.

Han Huayu

Các bài liên quan:

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

"Thế hệ bị mất gốc"

Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc: thế hệ chúng tôi là "một thế hệ mất gốc". Thuật ngữ này có lẽ là nặng lời - nó nặng nề hơn từ "The lost generation" hay "La generation perdue" của phương Tây khi họ bước vào kỷ nguyên hiện đại, giải phóng nhiều giá trị đạo đức cũ. Nhưng lời nói nặng phải chăng muốn gây hiệu ứng thức tỉnh. Vì ngẫm lại thế hệ chúng tôi ngày nay đúng là kém các thế hệ xưa.

Như nhà sử học Dương Trung Quốc so sánh, so với thế hệ vàng Việt Nam cũng sau một thời gian đất nước đóng cửa, được bắt đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây "như thế hệ các tri thức, đã tham gia vào trào lưu phát triển của đất nước, trở thành những người chiến sĩ giải phóng dân tộc, nòng cốt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như Vũ Đình Hòe, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di..." Thế hệ đó vững vàng tiếp thu nên văn hóa phương Tây, không mất gốc, có thể sàng lọc cái hay để học, có thể chọn cái nào hợp với văn hóa mình do đã được hưởng nền Quốc học vững chắc. "Bởi vậy gọi họ là thế hệ vàng vì họ đã tiếp thu những tinh túy của cả nền Quốc học lẫn văn hóa, văn minh phương Tây một cách xuất sắc."

"Còn thời nay, nói thế hệ chúng ta sau này mất gốc hoàn toàn. Nếu có tiếp cận phương Tây thì chỉ là tiếp cận văn minh bề ngoài, phương tiện sống, kiến thức. Chẳng hạn chúng ta biết tiếng Anh, nhưng không hiểu nền văn minh của Anh là như thế nào. Trong khi đó, thế hệ thời Vũ Đình Hòe tiếp thu cả nền văn hóa." Nên khi tiếp thu nhiều khi chỉ là cố copy sinh ra lai căng, tiếp thu nhiều giá trị ảo.

Các nhà báo là những "thư ký của thời đại", những người có nhiệm vụ phản ánh lại xã hội mà chúng ta đang sống một cách xác thực nhất. Vì lý do này mà blog Điểm báo quốc tế, khi dịch những tin tức nổi bật được đăng tải trên truyền thông thế giới ra tiếng Việt, chính là muốn cung cấp cho bạn đọc góc nhìn của bạn bè quốc tế về cùng một vấn đề mà tất cả đang quan tâm.

Việc làm này như để vớt vát lại một điều đáng tiếc: Khi nhiều người trong số chúng tôi, dù được du học nước ngoài từ sớm đều đã không cố gắng hiểu thêm về văn hóa nơi mình đang sống. Hiểu được về lối suy nghĩ của dân sở tại, các giá trị cơ bản mà họ bảo vệ.

Trông người mà ngẫm đến ta. Nếu không đạt được mục đích nhỏ nêu trên. Blog hy vọng vẫn là một kênh thông tin có ích với bạn đọc ghé qua.

Xin tiếp thu mọi ý kiến để có thể hoàn thiện những dòng trên.

Trân trọng.

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Phóng sự đầu tiên của CNN tại Libya

- Trích CNNBlog; Atlanta -

Vừa vượt qua biên giới Ai Cập-Libya, Ben Wedeman của hang CNN trở thành nhà báo ngoại quốc đầu tiền thực hiện phóng sự từ Libya kể từ khi nhân dân quốc gia này vùng lên nổi dậy chống Kadhafi.


Tại biên giới, một thanh niên trẻ anh mặc thường phục, khoác khẩu AK-47 đòi chúng tôi xuất trình giấy tờ. “Tại sao lại phải vậy vì chẳng còn chính phủ nào cả”. Saleh, người tài xế Libya chấp nhận đưa chúng tôi qua biên giới đáp lại rồi đạp ga đi thẳng.

Phía trạm kiểm soát Libya, đã không còn biên phòng, không còn hải quan, không còn cảnh sát. Một nhóm người mặc thường phục, được trang bị mã tấu, súng ngắn hay AK đứng giữ một trật tự nhất định tại biên giới. Họ cũng không có nhiều việc để làm vì dòng người đa phần di chuyển theo hướng ngược lại. Hải quan Ai Cập cho hay, chỉ tính riêng trong ngày 21 tháng 2 đã có 15.000 người Ai Cập vượt cửa khẩu này để hồi hương.

Chào mừng đến với nước Libya tự do, đó là khẩu hiệu mới được treo ở phía trạm kiểm soát Libya. Sau khi vượt qua cửa khẩu, chúng tôi dừng lại đổ xăng, ở cây xăng không phải xếp hàng, vẫn có điện, điện thoại di động vẫn hoạt động nhưng không thể gọi ra nước ngoài, chỉ duy nhất Internet đã bị cắt từ nhiều ngày nay.

Trên đường đến thành phố lớn đầu tiên, chúng tôi vượt qua nhiều trạm kiểm soát của người biểu tình tạm dựng lên. Họ lịch sự nhưng có vẻ vui mừng thái quá trước những thắng lợi đầu tiên. Họ bất ngờ nhưng cũng hào hứng khi thấy đoàn phóng viên ngoại quốc đầu tiên tác nghiệp trên đất nước của họ từ ngày 15 tháng 2 vừa rồi.


Chúng tôi vẫn tiếp tục đi về phía Tây. Dọc đường Saleh chỉ cho tôi cái mà anh gọi là những tội ác của gia đình Kadhafi:

“Anh có thấy con đường này tởm lợm không? Với tiền thu được về từ dầu mỏ, Kahdafi đã không chi một dinnar nào để phát triển khu vực này cả.”
“Trạm nghỉ này được xây bởi một công ty xây dựng thuộc về con trai của Kadhafi. Giá thành xây dựng được đội lên rất nhiều lần mà Bộ xây dựng chẳng ai có ý kiến gì cả?”
“Chủ của căn villa kia đã bị tịch biên tài sản vì một người con trai của Kadhafi thích miếng đất và căn nhà đó”
“Đám cháy chưa tắt hẳn kia là kho đạn của thành phố, trước khi rút lui, chỉ huy căn cứ trung thành với Kadhafi đã châm lửa đốt vì sợ kho vũ khí sẽ rơi vào tay nhân dân.”
Anh ta cũng cho tôi những lời khuyên mà anh cho là có giá: “Nếu gặp lính của Kahdafi, hãy nói rằng anh là bác sĩ, đừng nói rằng anh là nhà báo nhé.”


Khi chúng tôi đến đích đến mà hiện tại tôi chưa được phép tiết lộ. Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông tự giới thiệu là thủ lĩnh của những người biểu tình ở khu vực này. Ông khoảng 50 tuổi, đã từng học tại Hoa Kỳ, về Libya dạy đại học trước khi bị ngồi tù ba năm vì tham gia biểu tình chống Kahdafi. Ông cho biết miền Đông Libya đã hoàn toàn thuộc về phe những người biểu tình khi quân đổi đã chuyển qua ủng hộ họ.

“Các anh phải cho cả thế giới thấy những gì đang thực sự diễn ra tại đây.” Ông nhắc đi nhắc lại. Ông cũng nhận định được rằng để lật đổ được hoàn toàn chế độ Kahdafi, cuộc chiến còn nhiều cam go. Vào thế đường cùng, Kahdafi sẽ không ngần ngại chơi ván bài được ăn cả ngã về không, sẽ hạ lệnh cho đám lính đánh thuê của ông ta cùng không quân mà ông ta vẫn kiểm soát bằng bất cứ giá nào phải dập tắt được phong trào chống đối. “Nhưng đã ở nơi nào các anh thấy trực thăng và máy bay chiến đấu bắn vào đoàn người biểu tình chưa, ở đây đúng là người ta đang đi tới một cuộc diệt chủng.”

Ben Wedeman

Các bài liên quan:

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Thái Lan - Trồng rừng bảo hộ sẽ được chính phủ đền đáp xứng đáng

- Trích Bangkok Post; Bangkok -

Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan (BAAC) vừa qua đã đưa vào áp dụng một chương trình tín dụng đặc biệt nhằm khuyến khích người dân trồng rừng bảo hộ đồng thời đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo tại một số địa phương.

Ý tưởng của BAAC rất đơn giản, người dân giờ đây có thể được phép đem lượng cây mà họ đang trồng ra làm tài sản thế chấp, ngay cả khi lượng cây này còn lâu mới đến thời hạn khai thác hay thu hoạch, để có được một khoản vay bằng 50% tổng giá trị của cây. Khoản vay ưu đãi này có lãi xuất thấp và có thể được trả góp trong vòng 20 năm. Một khoảng thời gian đủ dài để người dân có thể an tâm thu hồi vốn và chi trả khoản nợ.

Điều này tránh cho việc nhiều người nông dân nghèo đã phải mất đất, vì trước đây chỉ có thể vay những khoản vay ngắn hạn với lãi xuất không ưu đãi, chưa đến hạn khai thác đã hết vốn đầu tư hoặc không thể hoàn trả vốn cho ngân hàng nên bị tịch biên đất, khiến nhiều người đã không còn hứng thú làm lâm nghiệp.

Sáng kiến này của BAAC giúp thay đổi một điểm yếu cố hữu giúp người dân lạc quan gắn bó với nghiệp trồng rừng. Giờ đây công việc trồng rừng không còn là những khoản đầu tư dài hạn, mà cây trồng chỉ có giá trị một khi đến hạn khai thác được đốn chặt. Giờ đây, nhất là với những nông dân trồng rừng ít đất, họ có thể được hưởng giá trị sử dụng của cây ngay từ khi nó được gieo mầm.

Một điều kiện nữa để hồ sơ vay vốn được BAAC chấp nhận là người dân phải trông xen kẽ cây lẫy gỗ và cây lấy tinh dầu để có giá trị thương mại lâu dài. BAAC hy vọng chương trình tín dụng này sẽ giúp nhanh chóng phủ xanh lại rừng đầu nguồn Thái Lan, chống lũ lụt và hạn hán, đồng thời giúp nông dân nghèo có thể giữ đất canh tác của mình.

Nó cũng là giải pháp buộc người vay vốn phải có trách nhiệm đi đến cùng dự án của mình, không thể giữa chừng phá bỏ rừng, vì đó là đảm bảo duy nhất của họ để có thể trả lại vốn vay sau 20 năm nữa.

Anchalee Kongrut và Winchit Chantanusornsiri

Các bài liên quan:

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Điều mà nhân dân Iran nên học từ người anh em Ai Cập

- Trích Tehranbureau; New York -

Điều vừa diễn ra tại Ai Cập là một bài học quý giá cho phong trào dân chủ ở Iran, phong trào Xanh. Cả hai quốc gia đều có nhiều điểm chung. Tỉ lệ người nghèo rất cao, khoảng 50 % ở Ai Cập, còn con số này ở Iran là vào khoảng gần 40 %. Lực lượng thanh niên thất nghiệp là nòng cốt của đoàn người biểu tình. Chỉ khác lại tại Ai Cập, những người nghèo nhất là những ngưới chống đối chính quyền Mubarak mạnh mẽ nhất. Thì tại Iran, chính phủ của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lại đang dựa vào đó làm đồng minh tin cậy của mình. Nhưng việc chính quyền Iran vừa có quyết địch cắt bỏ một loạt trợ cấp xã hỗi có khả năng sẽ làm thay đổi điều này.

Iran cũng giống Ai Cập ở điểm họ có một phe đối lập thực sự. Họ không thể nói là các phong trào đối lập của mình không có tổ chức. Mir Hossein Moussavi, Tiến sĩ Zahra Rahnavard, Mehdi Karroubi hay cựu tổng thống Mohammad Khatami là những chính trị gia thực thụ. Vậy đội ngũ lãnh đạo cũng không phải là điểm yếu của phong trào đòi dân chủ của Iran.


Nhân dân cả hai quốc gia đều phải xuống đường để đòi hỏi dân chủ, vì các cuộc tổng tuyển cử ở cả hai nước từ lâu đã không còn tồn tại theo đúng nghĩa nữa. Đảng Dân chủ Quốc gia của cựu tổng thống Mubarak luôn thắng cử do ngăn cấm tất cả các phong trào đối lập khác được quyền tham gia và giới thiệu ứng cử viên. Còn tại Iran thì gian lận trong bầu cử không phải là một điều lạ.

Vậy, rút ra bài học từ Ai Cập và Tunisia. Nhân dân Iran phải thấy rằng, cái mà họ thiếu, chỉ là chưa bao giờ họ liên kết được với tầng lớp dân nghèo, lực lượng luôn là nòng cốt trong mọi cuộc cách mạng.

Muhammad Sahimi

Các bài liên quan:

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Thái Lan – Nhà thổ theo mô hình “hợp tác xã”

- Trích Global Post; Boston -

Để tránh bị các ông chủ bóc lột, một số gái mại dâm Thái Lan đã cùng nhau góp vốn lại tự lập một quán bar làm nơi hành nghề và tự cùng nhau quản lý. Quán bar có tên Can Do với mô hình hình hoạt động khác giúp chị em làm nghề buôn hoa bán phấn có được điều kiện hành nghề có phẩm cách hơn.


Tại quán Can Do có một hình ảnh hoàn toàn khác so với các quán bar khác. Không thấy bóng dáng của các má mì, tú ông, tú bà cứ đẩy các cô gái lao vào khách. Cũng không có tiếng nhạc xập xình đến điếc tai. Còn trang phục của các cô gái ở đây đa phần là quần jeans, áo tee-shirt hay giày thể thao.

Nhưng ở đây thực sự là một nơi như bao quán bar khác ở Thái Lan, các tiếp viên trong quán trao đổi “tình yêu của mình đổi lại những giá trị vật chất”. Nhưng ở đây hoàn toàn không có bảo kê. Các cô gái trong quán tự chia sẻ với nhau lợi nhuận của quán. “Với một số khách hàng, họ thật sự quan tâm rằng người họ sẽ ngủ cùng và trả tiền được đối xử tốt, đồng tiền của họ tới tay cô gái chứ không vào túi của một ông chủ bóc lột, chính vì vậy mà họ thích tới đây hơn”, Mai, một tiếp viên trong quán chia sẻ.


Để hiểu mô hình của quán Can Do khác biệt thế nào. Ta nên tìm hiểu các quán khác hoạt động ra sao. Gái mái dâm trong các quán khác có hai nguồn thu nhập, thứ nhất là hoa hồng từ đồ uống của khách, các cô kiếm được khoảng 1 USD cho mỗi ly rượu bán được.

Nhưng nguồn thu nhập chính vẫn là khoản mãi dâm. Các cô được trả từ 30 cho đến 50 USD cho mỗi lần đi khách. Nhưng phải nộp lại cho quán 15 USD cho mỗi lần vắng mặt. Chính thức ra số tiền này được gọi là “tiền phạt lương do vắng mặt tại nơi làm việc" đế lách luật chống mãi dâm của Thái Lan.

Còn ở quán Can Do thì khác. Khách không có quyền ép gái uống rượu. Cũng như không có khoản “tiền phạt lương” kể trên.

Hiện tại các “doanh nhân” của quán Can Do chưa thể là những nhà “doanh nghiệp thành đạt”. Họ dự đính phải mất 10 năm quán mới có lãi. Thứ nhất là vì quán không có nguồn thu chính như các quán khác là khoản “tiền phạt”. Thứ hai là các cô gái ở đây chẳng bị một sức ép nào để hoàn thành “quota” như các quán khác.

Ngoài ra, các cô gái còn được phép có một ngày nghỉ mỗi tuần và hai ngày lễ mỗi năm, trong khi các quán khác thường ép nhân viên của mình làm việc 7 trên 7.

Ngay cả khi không bao giờ có thể làm giàu nhờ quán Can Do, một cô tâm sự vẫn muốn làm ở đây. “Vì đằng nào chúng tôi cũng phải gắn bó với nghề này.”, cô Mai tâm sự tiếp, “Mọi người ở khu phố tôi bảo tôi không bao giờ có thể kiếm việc nào khác. Chính vì vậy tôi muốn nó thành một công việc đòi hỏi sự cố gắng như bao nghề khác. Gặp khách chúng tôi tâm sự, nói chuyện, tôi pha trò cho khách vui, chúng tôi cùng đi ăn, cùng đi nhảy. Và cuối cùng, trong một ngày làm việc 8 tiếng, chỉ có 5 phút là sex”.

Các cô gái của quán Can Do đã bỏ ra 30.000 USD từ tiền túi để mở quán. Các cô tính phải mất khoảng 10 năm quán mới thực sự có lãi. Đây vẫn là một hình mẫu lạ lẫm tại một quốc gia mà theo chính phủ Thái Lan có 77.000 gái mãi dâm. Còn theo các tổ chức phi chính phủ con số này là hơn 300.000 người.

Patrick Winn

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Nguyên nhân đằng sau cuộc xung đột leo thang giữa Thái Lan và Campuchia

- Trích Today; Singapore -


Từ một tuần nay, chiến sự không ngừng leo thang tại biên giới Khờme - Thái. Đã có sáu binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng. Theo nhà phân tích chính trị Pavin Chachavalpongun, phía Thái không kiểm soát được mình và để cho xung đột leo thang vì những rạn nứt đang diễn ra trong liên minh bảo hoàng hay còn gọi là phe áo vàng.

Nhìn bề ngoài mà nói, căng thẳng giữa Thái LanCampuchia hoàn toàn xuất phát từ chanh trấp chủ quyền nơi biên giới giữa hai quốc gia này. Nhưng, nếu ta phân tích kỹ thêm một chút, thì ta thấy rằng đây chính xác hơn là một nước cờ trong cuộc tranh giành quyền lực ở phe cầm quyền tại xứ Xiêm, chính xác hơn là giữa chính phủ Thái đương nhiệm và cựu đồng minh của họ Liên minh Dân tộc vì Dân chủ [viết tắt là PAD]. Liên minh cầm quyền đang đổ vỡ. Và PAD muốn dùng cuộc xung đột vũ trang này đề làm lung lay chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Vậy mà cách đây không lâu, họ vẫn khăng khít như anh em môi hở răng lạnh. Họ đã hai lần cùng chung chiến hào lật đổ chính phủ của Thủ tứng Thaksin Shinawatra [vào năm 2006], và phe cánh của ông ta [vào năm 2008]. Khi PAD bắt đầu chính trị hóa vấn đề của ngôi đền Preah Vihear [nằm ở biên giới hai nước nhưng chủ quyền đã được xác định cho Campuchia từ năm 1962], thì đảng Dân chủ, khi đó đang là phe đối lập của Thaksin, đã hết sức ủng hộ. Hai tổ chức này đã nêu cao ngọn cờ ái quốc để tố cáo chính quyền thân Thaksin đã mềm yếu với Campuchia, bán "đất đai của tổ quốc Xiêm", đổi lại những quyền lợi mà Phnom Penh giành cho việc làm ăn của gia đình Shinawatra.


Nhưng kể từ khi lên cầm quyền từ năm 2008, đảng Dân chủ, dưới sức ép của quân đội, đã phải chọn đường lối trung hòa hơn. PAD thì cực lực lên án điều này, họ coi đã giúp đảng Dân chủ lên cầm quyền nhưng bây giờ bị đối xử kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra trong quý 1 năm 2011, PAD lại dùng vấn đề đền Preah Vihear để thu hút sự chú ý của dư luận. Chiến thuật này đang có vẻ thành công. PAD đang tổ chức nhiều cuộc biểu tình và phong tỏa các tòa nhà Quốc hội, yêu cầu chính phủ phải có động thái mạnh mẽ hơn với Phnom Penh, đồng thời yêu cầu phía Campuchia trao trả hai tù binh Thái là thành viên của PAD vừa bị luật pháp nước này kết án 8 năm tù giam vì tội gián điệp. PAD cũng lôi kéo thêm được một tổ chức khác vào cuộc đấu tranh của mình là nhóm phật giáo cực đoan Abhisit. Hai nhóm tuyên bố sẽ còn xuống đường đấu tranh cho đến khi nảo Thủ tướng Thái chịu từ chức.

Sự tranh dành quyền lực giữa hai nhóm bảo hoảng làm nhiều người lo lắng, nhất là khi triều đại của vua Bhumibol Adulyadej sắp kết thúc [nhà vua đã phải nằm viện điều trị từ tháng 9 năm 2009]. Sự chia rẽ này sẽ chỉ làm lợi cho "phe áo đỏ" củng cố vị thế của mình. Một điều mà giới quân sự không hề mong muốn. Chính vì vậy, gần đây xuất hiện nhiều tin đồn về một cuộc chính biến quân sự sẽ diễn ra tại Bangkok. Nếu tình hình trở nên mất kiểm soát, giới quân sự sẽ can thiệp để giúp đất nước thoát ra khỏi ngõ cụt. Tổng tham mưa trưởng quân đội Thái, tướng Prayuth Chan-ocha, nói rằng chính biến quân sự đang là một trong những giải pháp. Nếu điều đó thành hiện thực, người Thái phải chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh chính trị dài hơi mới.

Pavin Chachavalpongpun

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Hoa Kỳ - Định giá Facebook 50 tỉ USD - châm ngòi cho bong bóng công nghệ 3.0

- Trích The Street; New York -


Công ty của Mark Zuckerberg hiện nay đang được định giá vào khoảng 50 tỉ USD. Nhưng với nhiều chuyên gia, con số này được tính toán dựa trên những giá trị không xác thực.

Thời gian gần đây, Facebook liên tục được nhắc đến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Câu chuyện về sự thành lập của hãng là chủ đề của bộ phim The Social Network, mà theo tin hành lang là một trong những ứng cử viên sáng giá của giải Oscar năm nay. Người sáng lập ra mạng xã hội này, Mark Zuckerberg, vừa được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm 2010. Còn bây giờ, nhờ vào khoản đầu tư thêm 500 triệu USD của ngân hàng Goldman Sachs và công ty Nga Digital Sky Technologies, Facebook được định giá có tổng giá trị vào khoảng 50 tỉ USD. Nhưng liệu đây có phải là con số thực tế ?

Nếu đánh giá trên là chính xác, thì tổng giá trị của Facebook đã vượt qua cả Yahoo!, eBay và Time Warner, và đang tiến gần đến giá trị của hai gã khổng lồ Amazon và Google. Nhưng dựa vào đâu mà người ta đưa ra con số này? Nhiều chuyên gia vầ truyền thông đánh giá Facebook hiện có thể sánh ngang với Disney, đang được định giá ở mức 70 tỉ dollar. Nhưng nếu Disney sở hữu những tài sản thật, xác định được giá trị rõ ràng như : các công viên giải trí, các khách sạn, các du thuyền, các nhân vật hoạt hình nổi tiếng mà hãng sử dụng để sản xuất vô vàn sản phẩm ăn theo, cho đến lợi nhuận thu được từ quyền khai thác kho tàng phim khổng lồ đã được sản xuất từ nhiều thập kỷ nay của mình.

Về phía Facebook, nó đang sở hữu một mạng xã hội ảo, mà theo đánh giá của tạp trí Time, đang kết nối một phần mười hai tổng dân số toàn cầu. Nhưng chính vì vậy, mà như tờ The Wall Street Journal nhấn mạnh, số tiền để Facebook duy trì cơ sở dữ liệu của mình là vô cùng lớn (hiện nay vào khoảng 700 triệu USD hàng năm, chỉ dành riêng cho hai cơ sở xử lý dữ liệu), còn tổng thu nhập của hãng thì chưa bao giờ được công bố. Vậy, khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu của Facebook, anh ta đang đầu tư vào cái gì?


Sự phát triển nhanh đến chóng mặt của hai mạng xã hội Facebook và Twitter khiến người ta nhớ lại cách đây 15 năm, trước khi xảy ra “bong bóng Internet” bị nổ. Khi đó, nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn đã nhìn ra tiềm năng khổng lồ của Internet. Trong thời gian đó, một lượng công ty lớn cung cấp dịch vụ trực tuyến đã được hình thành từ các nhà đầu tư đổ xô dồn tiền cho lĩnh vực này.

Một số đã thành công, như Google và Amazon, đã phát triển được một thương hiệu và một nền tảng tài chính vững chắc. Nhưng đa số còn lại – như GeoCities, Freeinternet.com hay theGlobe.com – thì thấy giá trị của họ bị nhanh chóng chia xuống nhiều lần sau khi thấy sự phát triển nhanh chóng của lượng người dùng không tỉ lệ thuận với lợi nhuận thu về được. Những nhà đầu tư bán cổ phiếu của mình trước khi bong bóng vỡ đã làm giàu, những người còn lại đã mất tất. Vậy thì tổng giá trị thực của mạng lưới mà Facebook đang sở hữu là bao nhiêu? Dù không ai bàn cãi về tiềm năng khổng lồ của nó.

Khi một lượng người lớn như vậy cùng trao đổi với nhau những thông tin cá nhân trên một trang mạng, nó sẽ là một không gian hoàn hảo để thu thập thông tin giúp các quảng cáo trực tuyến có thể nhắm đúng các đối tượng tiềm năng của mình. Nhưng liệu toàn bộ người sử dụng Facebook đều chấp nhận và đồng thuận với điều này, khi thông tin cá nhân của họ chia sẻ với người thân bị đem ra sử dụng và phân tích với mục đích kinh doanh. Đã có nhiều đơn kiện Facebook vi phạm quyền tự do cá nhân. Tháng 12 vừa rồi, Tổ chức Federal Trade Commission [Tổ chức bảo về quyền lợi người tiêu dùng Hoa Kỳ] đã đề nghị một dự luật, theo đó cho phép người sử dụng Facebook có thể chặn các hãng quảng cáo tiếp cận đến các thông tin cá nhân về các chủ đề mà họ quan tâm. Nếu điều này được áp dụng và đa phần người dùng Facebook sử dụng nó, thu nhập từ việc bán quảng cáo của Facebook [nguồn thi chính của nó] sẽ sụt giảm đáng kể.

Việc Goldman Sachs đầu tư vào Facebook hiện là một nước cờ có lợi cho cả hai. Thứ nhất, nó giúp Facebook lùi ngày phải niêm yết trên thị trường chứng khoán của mình. Điều này có nghĩa là, tạm thời, công ty chưa bị bắt buộc phải có báo cáo tài chính thường kỳ. Về phần Goldman Sachs, nó sẽ là đối tác được ưu tiên để điều hành việc vụ niêm yết này, dự kiến diễn ra vào năm 2012.

Người ta cũng hy vọng rằng việc Goldman Sachs bơm tiền vào Facebook không phải để thổi phồng giá trị thật của nó, trước khi bán nhanh lượng cổ phiếu mà họ đang nắm giữ để kiếm một khoản lời nhanh chóng.

Lauren Bloom