Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Trung Quốc – Trào lưu dân thành thị thuê ruộng tự trồng rau sạch

- Trích Quốc Tế Tiên Khu Đạo Báo; Bắc Kinh -


Sau mùa thu hoạch củ cải và bắp cải, Yin Ruiqing, một cán bộ hưu trí, đang xới lật đất để chuẩn bị cho vụ sau. Mảnh vườn của bác nằm dưới chân núi Phượng, ngoại vi Bắc Kinh, trong trang trại Anon. Tại đây, các mảnh vườn được sắp xếp bằng chằn chặn như bàn cờ. Mỗi mảnh chủ nhân thường đặt cho nó một cái tên riêng. “Các nhà báo phải đến đây vào mùa xuân, lúc reo hạt, mới thấy đông người ở đây đến nhường nào, cả người lớn và trẻ con đều vô cùng thích thú được tham gia công việc trồng ruộng rau ăn cho nhà mình trong một mùa.”, bác Yin kể.

Ở Bắc Kinh, đồng thời nhiều thành phố lớn khác, những người dân thành thị như bác Yin Ruiqing tự trồng rau cho mình sau những scandal liên quan đến thực phẩm liên tiếp diễn ra ngày càng nhiều.

Năm 2009, bác Yin đọc báo thấy vườn Anon, một trang trại ở ngoại thành, thông báo sẽ cho thuê những khoảng ruộng nhỏ để dân thành thị tự trồng rau sạch: tất cả sản phẩm thu hoạch đều thuộc về người thuê đất: “Đọc được tin này tôi thất sự thích thú và hào hứng!” Bác Yin đã ngay lập tức đến núi Phượng rồi quyết định thuê một mảnh với giá 1.200 tệ một năm.

Bác Yin thường đến vườn hai lần một tuần đề làm cỏ, reo hạt mới và tưới cây. Đó cũng là một cách với bác sống lại cuộc sống nông thôn. Hồi còn trẻ, bác cũng từng phải xuống lao động tại các hợp tác xã nông nghiệp [Trong khoảng từ năm 1968 cho đến 1980, 17 triệu thanh niên thành thị đã phải đi học tập lao động tại nông thôn]. “Đây là một niềm vui thực sự đối với tôi được hoạt động và lao động ở đây”. Nó khác hoàn toàn là làm vườn hay chăm mấy cái cây giữa rừng nhà cao ốc. Có một đội ngũ chuyên viên nông nghiệp túc trực tại trang trại để tư vấn bác Yin nên trồng loại rau nào theo mùa trong tổng số hơn 30 loại mà trang trại có sẵn.

Nhưng ngay cả khi rất yêu có mảnh vườn để chăm như thế này, động lực đầu tiên đã thúc đẩy bác Yin thuê khoảnh vườn là các vấn đề không an toàn của thực phẩm đang được bán tại thị trường Trung Quốc (sữa nhiểm độc, dầu ăn tái sử dụng etc…). “Tôi cũng là dân kinh doanh. Tôi biết rất rõ các kênh phân phối thực phẩm. Tôi biết có nhiều loại độc tố rất khó bị phát hiện.” Bác Yin nói.

Giáo sư Shi Yan, thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, người có ý tưởng lập vườn Anon này phát biểu. Những người như bác Yin ngày càng đông. Năm ngoái, mới có khoảng 15 gia đình đến thuê đất, thì năm nay, con số này đã tăng mạnh mẽ, hiện nay vườn đang đón 120 hộ gia đình.

Theo điều tra của chúng tôi, không chỉ ở Bắc Kinh, mà tại đa số các thành phố lớn khác, trào lưu này cũng đang phát triển mạnh, dưới nhiều hình thức khác nhau. Như người dân thành thị có thể thuê một phần ruộng của người nông dân, rồi thuê luôn họ trồng và chăm sóc loại rau theo yêu cầu của mình, đồng thời bắt họ cam kết không được dùng thuốc trừ sâu hóa học.

Các bài liên quan:

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Tunisia – Khi độc tài đi kèm với phát triển kinh tế: Đặt lại câu hỏi về hình mẫu Trung Hoa

- Trích Le Quotidien d'Oran; Oran -

Đáng ra là rất lố bịch khi đem so sánh Trung Hoa và Tunisia. Cả hai nước chẳng có điểm gì chung cả về mặt xã hội lẫn kinh tế. Trung Quốc đang là phân xưởng của thế giới, và không lâu nữa, tôi tin rằng nó sẽ là phòng thí nghiệm tiên tiến trọng điểm của Hành tinh xanh. Trong khi Tunisia vẫn bị nghi ngờ với cái danh xưng là con rồng của vùng Địa Trung Hải, một thuật ngữ mà chế độ của vị tổng thống mới bị lật đổ Ben Ali đã quá lạm dụng.

Nhưng có một điểm này, Tunisia vừa chứng minh một điều rằng, độc tài chính trị thì không bao giờ tốt cho nền kinh tế cả. Hay nói cách khác, không thể có sự phát triển kinh tế bền vững nếu không có một nhà nước pháp quyền. GDP Tunisia luôn tăng trưởng từ 3 cho đến 4 % trong những năm gần đây, nhưng sự phát triển này không có tác động nhiều đến việc cải thiện đời sống của người dân vì chế độ chính trị chuyên quyền. Vì một chế độ như vậy ngoài việc dùng bộ máy nhà nước để đàn áp những người bất đồng chính kiến, nó còn được sử dụng để đe dọa hoặc đánh sập một số chủ doanh nghiệp khi ông ta bỗng thấy việc làm ăn của mình đang sắp bị một người thân nào đó của một cán bộ cốp ngăm nghe nuốt chửng.

Chúng ta hy vọng nước Tunisia mới sẽ xóa bỏ được điều đó, và đặc biệt hơn, nó sẽ chứng minh cho thế giới rằng một nước Ả-rập cũng có thể xây dựng một nền dân chủ thực thụ. Nó sẽ phản bác lại tất cả giới tri thức và cầm quyền ở các nước phương Tây, những người vẫn thường ủng hộ chế độ của Ben Ali với luận điểm: "Mọi người biết đấy, dân chủ không dành cho một số người (trỉ vào chúng tôi những người Ả-rập), đó là một vấn đề về văn hóa." Ngay cả bây giờ, chúng ta vấn nghe luận điểm rằng chỉ ở Tunisia cuộc đấu tranh dân chủ vừa rồi mới thành công vì xã hội Tunisia rất giống xã hội phương Tây.

Nhưng có một bài học khác có thể rút ra từ ví dụ của Tunisia, đó là không hiểu nó có là tương lai sớm hay muộn của nước Trung Hoa hay không. Quốc gia mà nền kinh tế đang rực rỡ nhưng hệ thống chính trị lại cứng nhắc. Trung Quốc cũng là hình mẫu mà đa số đem ra để lập luận rằng vẫn có thể phát triển nền kinh tế với những thể chế chính trị chuyên chế nếu không muốn nói là độc tài. Tất nhiên không thể so sánh Trung Hoa với Tunisia. Bắc Kinh có những điều kiện mà Ben Ali không thể có được. Nhưng chẳng phải lịch sử đã luôn chứng minh rằng tất cả các bộ máy đàn áp rồi cuối cùng cũng sẽ sụp đổ.

Có một điều nữa khiến tôi tin vào điều này. Cả hệ thống giáo dục của Tunisia và Trung Quốc đều khá tốt. Hàng năm, có hàng vạn sinh viên tốt nghiệp bước ra thị trường lao động. Hiện nay, một số lượng không nhỏ trong số họ đang đối mặt với thất nghiệp ở cả hai quốc gia. Một thời số lượng này đã im lặng. Nhưng ngày nay, các mạng xã hội và Internet đã cho họ một công cụ tuyết vời để tập hợp nhau lại cùng đấu tranh chống những bất bình của mình.

Akram Belkaid

Các bài liên quan:

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

John McCain: Vì sao tôi trân trọng Tổng thống Obama

- John McCain; Trích The Washington Post, Washington -

Ngày 12 tháng 1 vừa qua, Tổng thống Obama đã có một bài diễn văn thật tuyệt. Ông đã có những lời chia buồn thật cảm động hướng tới những nạn nhân vủa vụ thảm sát Tucson, làm vững lòng cả nước, và truyền thêm nghị lực đối với những người như chúng ta, đang có vinh dự và may mắn được phục vụ tổ quốc Hoa Kỳ. Ông khuyến khích mọi công dân Mỹ đều nên tham gia các cuộc tranh luận chính trị hiện tại, khuyên họ nên đánh giá người khác độ lượng hơn, và tự đánh giá mình khiêm tốn hơn. Tổng thống kêu gọi chúng ta nên ứng xử làm sao, để đừng làm hoen ố lòng yêu nước, vẫn đang ấp ủ bao hy vọng của một em nhỏ. Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý nghĩ này. Chúng ta tôn trọng sự thẳng thắn trong các cuộc đối thoại của chúng ta, nhưng chúng ta cũng không được quên điều đó để phụng sự lý tưởng mà chúng ta theo đuổi cũng như bao thế hệ người Hoa Kỳ đi trước: đó là xây dựng một tổ quốc mạnh hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn quốc gia lúc chúng ta được thừa hưởng.

Tôi và ngài tổng thống có những ý nghĩ khác nhau về cách phụng sự lý tưởng này. Chúng tôi sẽ không giả vờ những điều đó là không tồn tại, nhưng cũng không được quên giữa chúng tôi có nhiều điểm chung hơn là điểm khác biệt.

Tôi không đống ý với đại đa số những chính sách mà Tổng thống đang áp dụng, nhưng tôi không bao giờ nghi ngờ ông Obama là một người ái quốc, và ông thực sự mong muốn sử dụng nhiệm kỳ của mình để khiến đất nước chúng ta tiến bộ hơn. Tôi không đồng ý với luồng ý kiến cho rằng Tổng thống Obama không xứng đáng điều hành nước Mỹ và các chính xách của ông là đi ngược lại những lý tưởng cơ bản của Hợp chủng quốc. Nhưng tôi cũng không ủng hộ luồng ý kiến cho rằng những người đang phản đối ông kém thông minh hơn hay ít công bằng hơn là những người ủng hộ ông.

Các bài phát biểu chính trị của chúng ta phải được viết trên một tông điệu đàng hoàng và lịch lãm hơn những gì đang được viết hiện tại. Chúng ta đều có một phần trách nhiệm, ngay cả tôi cũng vậy, với một số sự việc quá trớn vừa diễn ra. Tôi không nghĩ rằng chúng ta không thể thay thế những lời chỉ trích hay tấn công cá nhân bằng những tranh luận có thể đôi khi gay gắt nhưng cả hai bên đều tôn trọng nhau.

Có quá nhiều lúc trong chính trị chúng ta đã không thể làm như thế. Nhưng tôi vẫn tin chúng ta có thể tiến tới cái điều hoàn hảo của nhân loại rằng: hãy đối xử với người khác như cách ta mong muốn họ đối xử với ta.

Chúng ta là con người và chúng ta mang quốc tịch Mỹ; những điểm chung đó quan trọng hơn tất cả những khác biệt về ý tưởng chính trị đang chia rẽ chúng ta. Tôi đã nghe ngài tổng thống phát biểu như vậy tại Tucson. Tôi xin cám ơn và hoàn nghênh Tổng thống đã nhắc lại cho tôi điều đó.

Về tác giả: Thượng nghĩ sỉ John McCain chính là ứng cử viên đảng Cộng hòa đã thất cử trước Tổng thống Obama tại cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008.

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Để tiến tới sự hòa giải Mỹ-Trung

- Zbigniew Brzezinski; The New York Times, New York -

Ngày 19 tháng 1 năm 2010, Chủ tịch nước Trung Hoa Hồ Cẩm Đào sẽ hội đàm với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà trắng. Đấy là chuyến viếng thăm chính thức Washington lần thứ ba của ông và có lẽ là lần cuối cùng trước khi ông chuyển giao trọng trách cho người kế nhiệm vào năm 2012. Chuyến đi lần này diễn ra ngay sau chuyến công du tới Bắc Kinh của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates, từ ngày mùng 10 cho tới ngày 12 tháng 1.

Chuyến viếng thăm chính thức lần này của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào có lẽ là cuộc hội đàm Trung-Mỹ quan trọng nhất sau chuyến đi lịch sử của Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, diễn ra cách đây hơn 30 năm. Nó phải đạt được nhiều điều khác ngoài việc chỉ là một chuyến viếng thăm hữu nghị thông thường. Nó phải định nghĩa lại được mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia, từ đó tiến tới xây dựng một sự hợp tác trên phạm vi toàn cầu, những nơi mà cả hai đều đã có khả năng xây dựng được ảnh hưởng của mình.


Tôi nhớ rất rõ chuyến viếng thăm của Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, vì tại thời điểm đó, tôi đang là Cố vấn An ninh Quốc gia. Chuyến thăm đó diễn ra trong bối cảnh Liên bang Xô viết đang bành trướng ảnh hưởng của mình. Đó là cơ hội cho Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp nhau để cùng hội đàm làm sao có thể ngăn cản sự bành trướng đó. Nó cũng đánh dấu mốc chuyển mình của nền kinh tế Trung Quốc, một sự chuyển mình phát triển không ngừng trong suốt 30 năm qua, góp phần thắt nối mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

Nhưng chuyến đi của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào lại diễn ra trong một bầu không khí khác. Đang có quá nhiều sự khác biệt lớn đè nặng lên mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, đó là chưa kể nhiều quốc gia Châu Á đang lo lắng trước những tham vọng mới của Bắc Kinh. Vì vậy, chuyến viếng thăm lần này không diễn ra trong hoàn cảnh tốt đẹp nhất để chuẩn bị xây dựng môt sự hợp tác giữa hai quốc gia. Những tháng gần đây, các chủ đề gây xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng tăng, cả hai bên đều lên án đối phương đang áp dụng một chính sách kinh tế trái ngược lại với những quy luật của nền kinh tế toàn cầu. Cả hai đều tố cáo đối tác của mình đang áp dụng một chính sách ích kỷ, hoàn toàn chỉ nghĩ cho lợi ích riêng, mà quên đi vị thế của người anh cả và đầu tàu của mình đối với nền kinh tế thế giới. Những khác biệt khác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vần đề quyền con người cũng trở nên gay gắt hơn sau khi Lưu Hiểu Ba được trao tặng Giải Nobel Hòa bình năm 2010.

Tình hình căng thẳng khiến nhiều khi, chưa chắc đã do cố tình, động thái của đối tác khiến bên kia ngay lập tức nghi ngờ và quan ngại. Như quyết định của Washington cung cấp cho Ấn Độ công nghệ hạt nhân dân dụng đã khiến Bắc Kinh phải có ngay lập tức có câu trả lời, khi quốc gia này đồng ý giúp đỡ Pakistan hiện đại hóa các cơ sở hat nhân dân dụng của mình. Thái độ khá thờ ơ của Trung Hoa về tình hình căng thẳng leo thang giữa hai miền Triều Tiêu cũng khiến nhiều người đang lo lắng về chính sách ngoại giao mà Bắc Kinh muốn áp dụng để giải quyết các vấn đề của bán đảo này. Vài năm gần đây, Washington đã sai lầm khi khiến nhiều đối tác quay lưng vì chính sách ngoại giao chỉ tính đến lợi ích đơn phương của mình, thì Trung Quốc cũng nên suy nghĩ rằng một số động thái gần đây của họ khiến một số nước láng giềng lo ngại là điều không tránh khỏi.

Bất cứ một sự leo thang nào trong khu vực này cũng ảnh hưởng về lâu dài tới sự ổn định của châu Á cũng như về quan hê Mỹ-Trung. Nhưng có lẽ trong những thời điểm nhất định, cả hai đều rất muốn thử cho leo thang sự căng thẳng này để che dấu những khó khăn đang gặp phải ở những vấn đề quốc nội của mình. Những khó khăn mà cả hai đang gặp phải đều là có thật. Hoa Kỳ đang khẩn cấp cần một sự đổi mới trên diện rộng: để phá bỏ đi tất cả những hệ thống cơ quan và chính sách được xây dựng trong 40 năm chiến tranh lạnh mà ngày nay đã không còn cần thiết hay lỗi thời, và cũng để bắt kip lại thời gian đã mất khi suốt 20 năm qua, Hoa Kỳ đã quá nhiều lần nhắm mắt để cố tình không nhìn thấy rằng trên nhiều điểm, mình đã bị quá lạc hậu.

Về phần mình, sự bấp bênh của Trung Hoa ở chỗ họ đã hy sinh quá nhiều thứ để chỉ chú trọng tới sự phát triển nền kinh tế. Cũng như tâm lý vài năm gần đây cũng các học giả Trung Quốc đã tự thỏa mãn, đã tự hô hào thắng lợi, cả ở mặt đổi mới đất nước cũng như về vị thế mới của Trung Hoa trên trường quốc tế. 30 năm sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc không được né tránh, mà phải để cập thẳng thắn tới các điểm còn khác biệt của mình, và không được quên rằng cả hai cần có nhau. Nếu cả hai không thắt chặt được mối quan hệ của mình, cả hai quốc gia đều là bên bị thiệt.

Để chuyến viếng thăm lần này không chỉ đơn thuần là hình thức, Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cần phải cố gắng để ra một tuyên bố chung về tiềm năng to lớn có thể mang lai của sự hợp tác Trung-Mỹ. Họ phải cũng nhau xác định được những cột mốc bản lề của mối quan hê này, cũng như phải xác định được rằng tham vọng của sự hợp tác giữa hai bên phải vượt ra ngoài lợi ích đơn thuần của hai quốc gia.

Tuyên bố chung giữa nguyên thủ hai nước phải để cập đến tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội. Nó phải hoàn toàn thành thật nói đến các điểm còn khác biệt giữa hai bên, và giải pháp để dần trung hòa các khác biệt đó. Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng phải cũng nhau bàn bạc về vấn đề an ninh ở các khu vực mà cả hai đều đang có lợi ích hay ảnh hưởng, cam kết sẽ cũng nhau hợp tác để giảm thiểu các nguy cơ tại các khu vực này.

Một văn kiện như vậy đầu tiên sẽ tránh đặt hai quốc gia vào trạng thái đối đầu nhau, và hy vọng rằng nó sẽ phát triển để khiến hai phía có thể hợp tác với nhau trong một số trường hợp cụ thể. Mối quan hệ này mang tính sống còn giữa hai quốc gia lớn trong lịch sự, mà ta tưởng mọi điểm đều hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng cả hai đều đã đóng vai trò quan trọng nhường nào trong lịch sử thế giới.

Về tác giả: Zbigniew Brzezinski là cựu Cố vấn An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter (1977-1981), ông hiện nay đang là giáo sư môn Chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Ván bài mới của trùm truyền thông Rupert Murdoch.

- Trích The Guardian; London -

Trùm truyền thông người Úc sẽ đầu tư vài chục triệu đô la để phát hành một tờ báo chỉ dành cho độc giả dùng Ipad. Một thử nghiệm mạo hiểm mà toàn ngành truyền thông chăm chú theo dõi.


Trong thời buổi mà tất cả ngành truyền thông đang nghĩ mọi cách để thu hút các độc giả, thì đây không phải là lần đầu tiên Rupert Murdoch thử nghiệm. Tỉ phú người Úc vừa quyết định sẽ hợp tác với Apple và Steve Jobs để sản xuất một tờ báo chỉ phát hành thông qua Ipad. Tên của tờ báo đã được đặt, The Daily, nó đang khiến cả hai bên bờ Đại Tây Dương vô cùng quan tâm. Theo nhiều tin hành lang, Murdoch đã đồng ý duyệt chi một ngân sách 30 triệu USD cùng tuyển một ban biên tập khoảng 100 người cho tờ báo mới.

The Daily sẽ lấy lại mẫu của tờ London Paper, một tờ báo miễn phí mà Murdoch đã cho phát hành từ năm 2006 cho đến năm 2009. Khi đó tờ London Paper đã được quyền đứng hoàn toàn độc lập với các tờ báo khác trong đế chế của Murdoch vì theo ông, khi hướng tới một đối tượng độc giả mới, một tờ báo không nên chịu ảnh hưởng của bất kỳ tập san nào khác.


Sự phát triển của ngành công nghệ số diễn ra nhanh đến nỗi mà nhiều dự án ngay từ trong giai đoạn trứng nước đã bị đánh giá là lạc hậu, khó phát triển, hoặc thất bại.

Không dễ để có thể đánh giá thế nào là thành công đối với "tờ báo" chỉ dành riêng cho Ipad. Nếu đòi hỏi nó phải nhanh chóng thu được lợi nhuần là một điều vô cùng khó xảy ra. Vì ngay cả khi lượng người sử dụng Ipad sẽ tăng gấp đôi vào năm tới, đạt ngưỡng 15 triệu máy, thì tỉ lệ người mua báo vẫn phải là vô cùng lớn nếu muốn cân bằng mọi chi phí đã đầu tư cho The Daily. Murdoch, như mọi chủ báo khác, sẽ phải lưỡng lự giữa hai lựa chọn, hoặc với tư cách là một doanh nhân, hướng tờ báo theo hướng buộc nó phải sinh lời, hoặc vào vai một trùm tư bản, tạm không coi trọng việc lời lãi, mà chỉ quan tâm đến việc tiếp tuc giữ được ảnh hưởng của mình tới việc sản xuất thông tin trên một kênh phát hành hoàn toàn mới.

Ipad rất hấp dẫn đối với giới truyền thông bởi hai lý do. Thứ nhất, ho sẽ chỉ phải chịu ảnh hưởng và có một đối tác duy nhất để đối thoai là Steve Jobs, thay vì là toàn bộ người dùng Internet. Ông chủ của Apple có quyền quyết định cái gì được phát hành thông qua Apple Store, từ đó có thể gây ảnh hưởng đến nội dung của tất cả nhưng gì được phát hành thông qua hệ thống của mình, điều mà toàn bộ các trùm truyền thông đều mơ ước. Có một đối tác thông thái duy nhất để đối thoại và đàm phán vẫn dễ chịu hơn là với tập thể người tiêu dùng. Thứ hai là nhờ vào trào lưu Apple-mania, thị trường kinh doanh các application cho Ipad đang được đảm bảo hơn là việc kinh doanh báo chí thông thường. Nhưng sự đảm bảo này cũng chỉ là tương đối, vì vẫn chưa thể bán báo dài kỳ trên Ipad, cũng như chưa có nghiên cứu chính thức nào về việc sử dụng công cụ công nghệ mới này sẽ ảnh hưởng thế nào tới thói quen của người tiêu dùng.

Giá bán của mỗi một lần tải một tờ The Daily là 99 cents. Tại thời điểm này, tất cả mọi người đều đánh giá là tờ báo khổng thể thành công và có lãi vì mục tiêu ban đầu của nó quá tham vọng: việc ngay lập tức có một ban biên tập gồm 100 nhà báo (trong đó có một số rất nổi tiếng như Sasha Frere-Jones, nhà phê bình âm nhạc của tuần báo The New Yorker) là môt khởi điểm quá đồ sộ đối với một start-up trong ngành công nghệ số. Nên nhớ ví dụ về thành công mới nhất trong ngành này là Facebook cũng chỉ bắt đầu khiêm tốn trong một salon. Nhưng giả sử đặt trường hợp, điều gì sẽ xảy ra nếu Murdoch thành công trong nước cờ có phần mạo hiểm của mình? Có lẽ chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn tương lai của ngành phát hành báo trí giấy.

Emily Bell

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Đầu tư vào Trung Quốc có cái giá của nó!

- Trích The Wall Street Journal; New York -

Các doanh nghiệp phương Tây đang bất chấp mọi điều kiện để có thể tiến vào thị trường Trung Quốc. Cách dễ dàng nhất vẫn luôn là liên kết với một doanh nghiệp nội địa Trung Hoa, cho dù nó ẩn chứa nguy cơ rằng trong tương lai, doanh nghiệp Hoa sẽ trở thành chính đối thủ cạnh tranh của họ.


Từ ngày thị trường Trung Quốc mở cửa, chiến thuật của các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn tiếp cận thị trường này luôn là liên kết với một doanh nghiệp nội địa. Hiện tại, một số các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh nhất đã tiến thêm một bước mới nữa, rủi ro cao nhưng có tiềm năng rất lớn: đó là việc cho phép đối tác Trung Hoa của họ liên kết với họ để tiến ra một phần của thị trường toàn cầu.

Như General Electric đang gần đạt được thỏa thuận để lập một công ty liên doanh theo tỉ lệ góp vốn là 50-50 với nhà sản xuất máy bay dân dụng và quân sự Aviation Industry Corp. Of China (AVIC). Thỏa thuận này sẽ cho phép gã khổng lồ Hoa Kỳ có thể tham gia hợp tác vào dự án của chính phủ Trung Quốc nhằm sản xuất máy bay dân dụng Comac C919, mà Bắc Kinh hy vọng rằng sẽ có thể cạnh tranh với Boeing 737 hay Airbus A320 ngay từ năm 2014.

Còn nhà sản xuất xe hơi General Motors thì lâp một liên doanh với đối tác lâu năm của mình tại Trung Hoa là SAIC Motor, để sản xuất và bán các xe minivan Wuling cho thị trường Ấn Độ, tiếp đến là tiến sang thị trường Đông Nam Á rồi các nước đang phát triển khác.

Hai ví dụ trên cho thấy tham vọng vươn ra biển lớn của ngành công nghiệp Trung Hoa, cũng như là áp lực lớn mà họ đang áp đặt lên các đối tác ngoại quốc của mình. Như để đạt được thỏa thuận liên doanh của mình, General Electric đã nhượng bộ rất nhiều: Tập đoàn Hoa Kỳ đã góp vào liên doanh tòan bộ mảng hàng không dân dụng của mình trên toàn cầu. Còn General Motors thì góp toàn bộ phần công nghệ, tất cả các nhà máy tại Ấn Độ của mình cũng như quyền được sử dụng nhãn hiệu Chevrolet trên đất Ấn cho công ty liên doanh.

Các thỏa thuận kiểu này là điều không thể tưởng tượng được cách đây vài năm. Nhưng ngày nay, các tập đoàn Trung Quốc đã có tiềm lực kinh tế đáng nể cũng như ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng tại các nước đang phát triển giàu tài nguyên thiên nhiên, nơi các đối thủ phương Tây của họ ít có sư hiện diện. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đã trở nên quá quan trọng với các tập đoàn đa quốc gia khiến các hãng Trung Hoa có thể ngồi vào bàn đàm phán trên thế thượng phong.

Chiến thuật này ẩn chứa nhiều rủi ro đối với các hãng phương Tây. Lịch sử đã cho thấy rằng, sau khi đã nắm bắt được công nghệ và học được cách quản lý Tây phương, các công ty Trung Hoa có thể lại trở thành các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các đối tác cũ của họ. "Người nước ngoài nhận ra rằng họ sẽ phải chia sẻ hoặc hy sinh một phần lợi nhuận trên thị trường toàn cầu của họ cho đối tác Trung Hoa", Raymond Tsang, thuộc văn phòng tư vấn Bain & Co tại Thượng Hải giải thích. "Một số phàn nàn về điều này. Nhưng nếu họ không làm vậy thì các đối thủ của họ luôn sẵn sàng nhảy vào thay thế."

Ngành năng lượng cũng không thoát khỏi trào lưu này. Từ khi Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, làm ăn tại Trung Hoa trở thành sống còn với đa số các hãng đa quốc gia trong lĩnh vực này. Họ luôn liên kết với một công ty Trung Hoa để mọi việc được tiến hành dễ dàng hơn. Trong những liên kết này, các hãng phương Tây góp công nghê và kinh nghiệm quản lý, các hãng Trung Hoa góp các mối quan hệ của mình, nguồn nhân lực giá rẻ và các khoản vay của chính phủ Trung Quốc chỉ dành cho các công ty nội địa.

Tập đoàn nhà nước China National Petroleum là một trong những công ty dầu khí nước ngoài đầu tiên kí được một hợp đồng lớn tại Irak. Năm 2009, Hãng BP của Anh xin gia nhập liên doanh với họ và đầu tư 15 tỉ USD để nâng sản lượng của giếng khoan khổng lồ Rumaila nằm ở cực nam Irak. Hè năm ngoái, Royal Dutch Shell đã liên kết cùng PetroChina, một công ty con của China National Petroleum để mua lại một phần cổ phiếu của hãng Arrow Energy với tổng giá trị 3,15 tỉ USD.

Trong quá khứ, đã có rất nhiều liên doanh có cái kết không đẹp đẽ. Sau khi giúp các công ty Trung Hoa xây dựng tuyến đường sắt cao tốc, hãng Nhật Kawasaki Heavy Industries cùng hãng Đức Siemens hiện nay phải cạnh tranh với chính những đối tác cũ với chính những công nghệ của mình mà họ đã chuyển giao.Còn hãng thực phẩm Pháp Danone, năm 2009 đã chấp nhận bán phần của mình trong liên doanh với tập đoàn Hàng Châu Wahaha [liên doanh lập năm 1996], kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài vô tận, sau khi Danone lên án Wahaha đã lập một công ty con, kinh doanh cùng mặt hàng theo cùng một cách thức với công ty liên doanh mẹ.

Còn thỏa thuận giữa General Electric và Avic cũng rất bấp bênh, Jim Watson, Chủ tịch của một văn phòng tư vấn chuyên về lĩnh vực hàng không, Growth Strategies International, đánh giá. "Một khi AVIC đã đủ lông đủ cánh, họ có thể sẽ đá General Electric và độc lập tác chiến."

Shai Oster, Norihiko Shirouzo và Paul Glader

Bài được đăng trên Tạp chí Tia sáng ngày 24 tháng 01 năm 2011 http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=3784

Các bài liên quan:

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Thư gửi Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhân việc ông trả lời trực tiếp nhân dân Trung Quốc

- Mo Naiguang (Charles Mok); Tín Báo, Hồng Kông -

Kính thưa Thủ tướng

Mặc dù vô cùng bận bịu với nhiều công tác, Thủ tướng vẫn dành thời gian tham dự chương trình truyền hình mà tại đó, ngài đã trả lời trực tiếp các câu hỏi của khán giả truyền hình và người sử dụng internet. Cách thức đối thoại này là một bước tiến mới, một tiến bộ thật đáng được trân trọng, cho dù ở tại nước Trung Hoa ta, còn tồn tại rất nhiều điều chưa thể hỏi và chưa thể nói ra được.

Trước câu hỏi của một người dùng Internet về việc lạm phát giá tiêu dùng [lạm phát đã đạt ngưỡng 4,4 % vào tháng 10] ngài đã trả lời: "Việc này làm con tim tôi đau nhói!" Những khó khăn của cuộc sống hàng ngày ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng, như ngài đã nhấn mạnh, nó ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Chúng tôi vui mừng vì ngài đã lưu tâm đến những khó khăn của các tầng lớp này.


Nhưng, khi một khán giả truyền hình hỏi thủ tướng rằng: "Để cho mọi người hạnh phúc hơn, và để cho phép có cuộc sống có phẩm cách hơn, trong những lĩnh vực nào ngài nghĩ cần phải cố gắng cải thiện?" câu trả lời của ngài đã khiến tôi phải suy nghĩ. Ngài có nói rằng thứ mà ta gọi là "hạnh phúc"  dựa trên việc "phát triển sản xuất và tiếp tục cải cách, để cho phép mọi người sống trong các điều kiện đàng hoàng hơn, mức sống được nâng cao hơn." Vậy chẳng lẽ người Trung Hoa ta chỉ như những con vật, chúng ta có thể hạnh phúc chỉ bằng việc có cái ăn và tích trữ được nhiều của cải vật chất? Chúng ta có thể coi việc chỉ cần giải quyết các vấn đề về y tế, giáo dục, nhà ở và cho phép mỗi người Trung Hoa có một xe hơi riêng là điều kiện đủ để khiến họ hạnh phúc? Chỉ cần nâng cao mức sống sẽ cho phép mọi người sống có phẩm cách hơn?

Nói về phẩm cách, ngài đã nêu ra bốn điểm cần được cải thiện: "Phải cho phép mỗi người đều được hưởng những quyền lợi và tự do của họ được ghi trong Hiến pháp. Phải đảm bảo tất cả mọi người được công bằng trước pháp luật. Thứ ba, phải đấu tranh để xã hội của chúng ta không bị mất cân bằng trong khi khoảng cách giàu nghèo đang này càng gia tăng, cần quan tâm trú trọng đặc biệt đến những người nghèo, những người tàn tật và những người bị mắc bệnh AIDS. Cuối cùng, phải tôn trọng tất cả mọi người, ngay cả với những người đã mắc sai lầm, đã tù tội nhưng đã được giáo dục lại và được giúp đỡ. Đó là quan niệm của tôi về phẩm cách" Thưa Thủ tướng, tôi chia sẻ hoàn toàn suy nghĩ của ngài về vấn đề này, nhưng phát biểu của ngài lần này lại đến lượt làm con tim tôi đau nhói.

Vì khi ngài nêu ra bốn điểm này, nghĩa là chúng chưa được đảm bảo ở nước Trung Hoa ta. Tất cả mọi người đều ý thức được bốn điều cần thiết này. Nhưng có một điều mà ngài chưa nói, đó là làm sao chính phủ Trung Quốc có thể cải thiện được bốn điều này, ta đã có những giải phảp nào, với những "đặc thù của nước Trung Hoa ta"?

Thưa Thủ tướng, ngài có nói rằng con đường để phát triển quốc gia không dễ dàng. Những nhiệm vụ đề ra của năm 2011 còn khó khăn và phức tạp hơn [khi thay đổi nhân sự của bộ máy lãnh đạo và tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp]. Ngài cũng có nói rằng ngài sẽ cố gắng vì mục tiêu này "tới hơi thở cuối cùng". Thưa Thủ tướng, nếu ngài thực sự muốn khiến nước Trung Hoa hạnh phúc và sống xứng đáng với phẩm cách, xin hãy xây dựng một nước Trung Hoa tôn trọng quyền con người, tự do và dân chủ, xin lái sư phát triển của nước Trung Hoa hướng về phía dân chủ.

Ngài có chấp thuận không, thưa Thủ tướng, đi theo con đường này? Về phần tôi, tôi không cho phép mình đặt hy vọng.

Các bài liên quan: