Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Cơn ác mộng của Sony

- Trích The Guardian; London -

Cơn địa chấn nào vừa diễn ra trên thị trường tài chính tương đương với vụ tràn dầu trên vịnh Mexico vào năm 2010. Đó là vụ việc các Hacker đã có được thông tin cá nhân của hơn 100 triệu khách hàng của Sony. PlayStation Network (PSN) với 77 triệu người sử dụng và Sony Online Entertainment Network (SOE) với 25 triệu tài khoản vừa bị hacker xâm nhập.

Vụ việc này khiến ta đặt lại câu hỏi liệu Sony có tìm lại được ánh hào quang đã mất. Nói gì thì nói, đây đã từng là nhãn hiệu phát minh ra máy nghe nhạc cầm tay (Walkman), đã từng thống trị thị trường games với máy Playstation, đã từng chinh phục được thị trường Hoa Kỳ với các TV Triniton trong thập niên 1970. Nhưng ngày nay, khi nói tới âm nhạc, người ta nghĩ tới iPod của Apple, thế hệ máy nghe nhạc cầm tay kỹ thuật số đã chiếm lĩnh thị trường ngay từ ngày ra đời vào năm 2001. Trong lĩnh vực games, cả Wii của Nintendo lẫn máy Xbox 360 của Microsoft đều đã vượt mặt PlayStation 3. Còn thị trường sản xuất TV tại thời điểm này, đang có quá nhiều hãng cạnh tranh và chẳng ai thực sự nổi trội hơn ai cả.


Vậy ngày nay, Sony còn giữ lại được gì trong tâm trí người tiêu dùng về hình ảnh nhãn hiệu mà họ đã dày công xây dựng. Nên nhớ rằng cách đây 10 năm, khi các kỹ sư của Apple phát minh ra iPod, các nhà lãnh đạo của nhãn hiệu hình quả táo khuyết chỉ có một nỗi ám ảnh rằng Sony rồi cũng sẽ nhảy sang cạnh tranh và nuốt sống họ. Vì chính Sony là cha đẻ của các máy nghe nhạc cầm tay (Walkman) được phát minh vào năm 1978. Sony cũng từng tiên phong về lĩnh vực nhạc số với chuẩn MiniDisk phát minh trong thập niên 1990. Khi đó, các nhà lãnh đạo của Apple dự đoán, việc họ bị Sony bắt kịp chỉ là vấn đề thời gian. Họ nghĩ họ sẽ có một năm đi trước các đối thủ khác chứ không nghĩ là họ sẽ có những 5 năm.

Sai lầm của Sony là đã mở rộng phát triển ra quá nhiều lĩnh vực, từ đồ điện tử các thiết bị nghe nhìn truyền thống, sang máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động, kinh doanh cho thuê tài chính v.v. Chính vì vậy mà không hẳn họ ngoài cuộc nhưng luôn đi sau các đối thủ một bước. Vẫn may mắn cho Sony khi vụ scandal hack tài khoản xảy ra cách xa lễ Noel và năm mới (dịp sức mua của người tiêu dùng mạnh mẽ nhất), nên hy vọng nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh. Còn thiệt hại để bồi thường các khách hàng trong sự việc này, theo tính toán mỗi tài khoản sẽ ngốn của Sony từ 100 cho đến 318 USD. Vậy hóa đơn tổng cần thanh toán giao động từ 10 đến 30 tỉ USD.

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Nước Pháp ngày nay: Cuộc sống một gia đình Pháp năm 2011

- Trích The Guardian; London -

Người Pháp sống như thế nào vào năm 2011. Để trả lời cho câu hỏi này, Jon Henley, cựu phóng viên thường trú của tờ the Guardian đã sống một tuần cùng một gia đình Pháp bình thường, gia đình nhà Roussel, gần Bordeaux.


"Nào chúng ta cùng đi chợ", Thiery Roussel nói với tôi cùng vợ của anh. Anh ngồi xuống bàn ăn và mở máy tính xách tay, rồi truy cập vào trang Auchan Drive. "Anh đã nói muốn cùng chúng tôi đi chợ mà", Isabelle, vợ của Thierry nói với tôi, "đây là cách chúng tôi mua sắm".

Lúc này đã là 22 giờ đêm ngày thứ 5, tại nhà của gia đình Roussel, ở làng Cenac, một ngôi làng nhỏ nằm giữa các cánh đồng trồng nho cách Bordeaux khoảng 15 km. Hai đứa con nhỏ, Rémi, 9 tuổi, và Mélanie, 13 tuổi đã đi ngủ. Người con cả, Guillaume, 15 tuổi, đang cùng trường sang London. Đi chợ qua Internet? Ngay cả để mua thực phẩm hàng ngày? Vậy họ không còn bao giờ ra tiệm bánh mì (boulangerie*), tiệm tạp hóa của làng (épicerie*) hay cửa hàng bán thịt (boucherie*) nữa sao?

Không, không, Isabelle trả lời, họ vẫn mua thịt tại cửa hàng bán thịt một lần một tuần, hoa quả và rau tại chợ trời sáng ngày chủ nhật, vẫn mua bánh mì tại tiệm bán bánh mì của làng hàng ngày. "Nhưng mọi thứ còn lại, chúng tôi mua qua Internet. Như vậy chúng tôi chỉ mua những thứ thật cần thiết được ghi trước trên một danh sách." Nhà Roussel chưa thuộc diện có kinh tế thực sự khó khăn, nhưng họ phải cẩn trọng trong mọi chi tiêu. Họ để ý đến tổng số tiền được ghi trên màn hình vi tính, kiểm tra kỹ các sản phẩm được giảm giá hay khuyến mại và không bao giờ mua các sản phẩm đắt nhất.

Có một điều chắc chắn rằng, trong một chừng mực nào đó, nước Pháp vẫn là một nơi có cuộc sống tương đối dễ chịu. Thierry vẫn luôn làm việc từ 60 cho đến 70 tiếng một tuần. Dậy từ lúc 4 h sáng và về nhà lúc 22 h đêm. Cho tới tháng 12 năm 2009, anh phụ trách một bộ phần trong một siêu thị lớn tại Bordeaux: đây là một vị trí tương đối quan trọng và anh có 14 người dưới quyền. Khi đó anh 45 tuổi và đã đi làm được 22 năm.


Vào một đêm tháng 12 năm 2009, Thierry tới siêu thị từ 3 giờ sáng để dọn dẹp và sắp xếp lại cửa hàng sau đợt nghỉ lễ Noel thì bỗng thấy đau quằn quại, sau anh phát hiện bị suy thận và trải qua 4 ca phẫu thuật. Tới tháng 2 năm 2010, khi đang trong giai đoạn nghỉ ốm, anh nhận được thư cho thôi việc. Hai tuần sau anh chính thức bị sa thải với lý do đã mắc lỗi nghiêm trọng. Mọi thứ đều được dàn dựng cả, Thierry khẳng định: công ty chẳng có gì để quy trách nhiệm cho anh cả (ngay trước khi bị phát hiện có vấn đề về sức khỏe, anh còn được đề bạt thăng chức). Nhưng trong ngành kinh doanh siêu thị ở Pháp, môi trường làm việc rất khắc nghiệt. Giá cả luôn phải thấp nhất. Mỗi một cent cần được tính toán tiêu đúng chỗ. Khi một nhân viên trên 40 tuổi, anh lại có vấn đề về sức khỏe, anh có nguy cơ tốn rất nhiều tiền của công ty.

Sau bữa ăn trưa, Thierry cho tôi xem tập hồ sơ xin tìm việc lại của anh, dày 8 cm, mỗi tuần anh gửi khoảng 10 bộ hồ sơ trong suốt 1 năm nay. Tổng cộng anh có 7 lần được gọi đi phỏng vấn, và khoảng từ 2 đến 3 đề nghị tuyển dụng, hầu hết ở các siêu thị nhỏ, với mức lương bằng một nửa khi trước. Hiện tại anh vẫn chưa chấp nhận các đề nghị này, anh vẫn ăn lương thất nghiệp. Người Pháp được quyền hưởng lương thất nghiệp ở mức 60 % số lương cũ trong vòng 2 năm sau khi thôi viêc, trước đây là 70 %.

Vì bị sa thải do "mắc lỗi nghiêm trọng", nên Thierry chỉ ăn lương thất nghiệp ở mức 54 % lương cũ, anh vẫn được quyền nhận lương thất nghiệp thêm một năm nữa. Tình hình kinh tế gia đình chưa đến nỗi khó khăn, vì Isabelle là công chức nhà nước làm việc cho vùng. Làm công chức nhà nước là một trong những điều mà người Pháp ưu chuộng nhất. "Tất nhiên là có những ưu điểm", Isabelle tâm sự, "nhưng cũng ngày càng có nhiều câu hỏi được đặt ra hơn, như về thời gian đi làm trước khi được hưởng lương hưu. Tôi không phản đối việc ta phải đi làm lâu hơn để được về hưu, vì con người ta ngày nay có tuổi thọ lâu hơn. Nhưng đồng lương hưu cũng phải được cải thiện để ta có cảm giác chúng ta phấn đấu cả đời để có một phần thưởng xứng đáng."

Tổng thu nhập của nhà Roussel là khoảng 3000 euro mỗi tháng, trước thuế. Nhưng họ cũng chẳng phải đóng nhiều thuế lắm. Họ có ba con và được hưởng nhiều chế độ đối với các gia đình đông con. Họ cũng được hưởng 480 euros tiền trợ cấp hàng tháng vì điều này. Mỗi tháng, họ cũng trả cho ngân hàng 800 euros tiền vay trả góp hồi xây nhà. Một ngôi nhà lớn với 3 phòng ngủ. Tiền học cho các con khoảng 300 euros: cả Mélanie và Guillaume đều học ở các trường tư tại Bordeaux.

Như nhiều gia đình Pháp, nhà Roussel sống tiết kiệm và không bao giờ tiêu quá số tiền mà mình kiếm được. Mỗi tháng, họ dành vài trăm euros gửi vào tài khoản tiết kiệm hay bảo hiểm nhân thọ, vậy là ít hơn trước nhưng vẫn chấp nhận được. Trước, họ thường đi nghỉ tại biển Địa Trung Hải. Nhưng giờ đây, theo giải thích của Isabelle, giá mỗi tuần thuê nhà tại biển Địa Trung Hải là 900 euros, họ chuyển sang đi nghỉ tại căn hộ mùa hè mà bố mẹ Isabelle đã mua nằm trong dãy Pyrénees.

Cả Thierry và Isabelle đều gần gũi với bố mẹ của mình. Bố của Thierry, một quân nhân hưu trí có lương hưu cao nên rất chiều các cháu. Mélanie và Guillaume phải cảm ơn ông nội về hai cái máy tính xách tay mới của mình. Vài ngày sau tôi gặp mẹ Isabelle, bà sống ở một căn nhà khác cùng làng với con gái và con rể. Bên tách café, bà mỉm cười khi nghe những nhật xét của tôi về tổng thống Sarkozy. (Isabelle đã bầu cho Sarkozy vào năm 2007, nhưng bây giờ, cô nghĩ rằng "đấy là một gã hề gần tệ bằng Berlusconi".

Nhà Roussel có nghĩ rằng mình có thể đại diện cho hình ảnh nước Pháp ngày hôm nay? Có, Thierry trả lời. "Chúng tôi ở mức trung bình, nên chúng tôi không quan tâm đến chính trị. Nếu bạn nghèo, bạn sẽ được hưởng nhiều quyền lợi và trợ cấp. Nếu bạn giàu, bạn sẽ được nhiều quyền lợi vì là bạn bè với Sarkozy. Tôi chưa bao giờ được hưởng chế độ 35 giờ làm việc mỗi tuần của Đảng Xã hội. Tôi cũng chưa bao giờ được thấy điểm tích cực của chính sách làm việc nhiều hơn để hưởng lương cao hơn của Sarkozy. Chúng tôi đóng tiền cho mọi thứ. Chịu mọi thứ thuế. Có đồng lương thật thấp. Và không có hy vọng rằng điều này sẽ thay đổi."

Còn về cuộc tranh luận liên quan đến các vấn đề nhập cư? Nó thật "lố bịch", Thierry nói: "Gần như toàn bộ người Pháp không còn 100 % máu Pháp, chúng tôi có tối thiểu một tổ tiên là người nước ngoài nhập cư. Nên nói nước Pháp chỉ dành cho người Pháp thì làm sao mà có thể là một chương trình chính trị nghiêm túc." Nhưng anh đoán Marine Lepen sẽ giành được một số lượng phiếu cao. Họ có còn tự hào là người Pháp? "Tất nhiên là vẫn chứ", Isabelle khẳng định. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có một tổ quốc đã đấu tranh để bảo vệ nhiều giá trị. Chúng tôi không ủng hộ chủ nghĩa kinh tế tư bản tự do, chúng tôi nghĩ rằng phải bảo vệ người dân trước nền kinh tế thị trường. Điều gì xảy ra nếu trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi, chúng tôi là người Mỹ. Chúng tôi đã ra đường. Nhưng chúng tôi vẫn đang ngồi kêu ca, vì chúng tôi là người Pháp. Chúng tôi ít khi nào nhận thức được về may mắn mà mình có. Sợ nhất là nếu như bây giờ chúng tôi vứt bỏ hết điều này. Cải cách là cần thiết, nhưng không phải với bất kỳ giá nào. Chúng tôi trả đủ nhiều thuế để hy vọng có một môi trường sống tốt. Nhưng tôi lo ngại mọi thứ rồi sẽ khác. Tôi thực sự sợ điều này."

* Viết bằng tiếng Pháp trong bản gốc.

Jon Henley

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Singapore - Tiến tới đa đảng hóa nhờ vào Internet

- Trích Asia Times Online; Hồng Kông -

Công dân đảo quốc Sư tử đa phần đều có khả năng trao đổi blog, tweet cũng như các video qua youtube để bình luận về cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày mùng 7 tháng 5 vừa qua. Nó như một điểm mới trong đời sống chính trị của Singapore, khi các đảng đối lập có một kênh thông tin thoát khỏi cảnh kìm kẹp của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền. Tuy Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn duy trì được đa số ghế, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, phe đối lập thắng một khu bầu cử có nhiều đại biểu.


Công dân đảo quốc Sư tử đa phần đều có khả năng trao đổi blog, tweet cũng như các video qua youtube để bình luận về cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày mùng 7 tháng 5 vừa qua. Nó như một điểm mới trong đời sống chính trị của Singapore, khi các đảng đối lập có một kênh thông tin thoát khỏi cảnh kìm kẹp của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền. Tuy Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn duy trì được đa số ghế, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, phe đối lập thắng một khu bầu cử có nhiều đại biểu.

Nhiều ngày trước khi bộ trưởng bộ tài chính Singapore, Tharman Shanmugaratnam, công bố kế hoạch ngân sách năm 2011, phe đối lập đã lên tiếng cho việc nếu được cầm quyền, họ sẽ sử dụng số tiền này như thế nào. Dù các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, dưới sự kiểm soát của chính phủ, gần như không dành một từ nào để nói về chương trình hành động của phe đối lập, nhưng không vì thế mà thông điệp của họ không được lan tỏa rộng rãi nhờ vào Internet. Sự kiểm duyệt của PAP lên đời sống chính trị tại Singapore ngày càng bị chỉ trích kịch liệt trên Internet thông qua các blog, Facebook và Twitter. Vì PAP vẫn kiểm soát được gần như toàn bộ các phương tiện thông tin truyền thống, phe đối lập hướng về các báo mạng trẻ giám đăng tải những luồng suy nghĩ mới táo bạo hơn. Một số tờ báo mạng như Online Citizen và Temasek Review đã có được sự thành công lớn nhờ dành một tiếng nói nhất định cho phe đối lập.

Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền từ năm 1959 thường bị lên án là bóp chết sự tranh luận chính trị khi gần như độc quyền kiểm soát mọi phương tiện báo chí và truyền hình tại Quốc đảo sư tử. Nhưng với sự xuất hiện của Internet, sự kiểm soát của PAP ít có hiệu quả hơn. Ví dụ như Đảng Dân chủ Singapore (SDP) đối lập hiện không có một thành viên nào trong Quốc hội, nhưng website của họ lại là website có nhiều lượt người truy cập nhất, hơn cả của đảng PAP. Trong một cuộc hội thảo-tranh luận được tổ chức vào tháng 12 vừa rồi, Chee Soon Juan, Tổng thư ký đảng SDP phát biểu: "Tôi nghĩ rằng Internet là công cụ tốt nhất để không bị lệ thuộc vào giới truyền thông cũ, vốn bị chi phối bởi đảng cầm quyền".


Mặc dù khoác áo dân chủ, nhưng Singapore bị xếp hạng rất kém trong lĩnh vực tự do báo chí. Đa phần các báo Singapore đều có truyền thống tự kiểm duyệt, và thân với chính quyền. Hãng thông tấn chính của quốc đảo, Singapore Press Holdings, thuộc quyền sở hữu quốc doanh, và Hội đồng quản trị của nó đa phần là đảng viên PAP. Tổng biên tập các báo, ngay cả của tờ Straits Times, đều phải có sự đồng ý của chính phủ mới được nhận chức, và thường xuyên nhận được nhiều chỉ thị từ phía trên.

Từ lâu rồi, PAP muốn có một môi trường báo chí đưa tin hài hòa, ít đấu tranh va chạm. Trước khi báo mạng xuất hiện, PAP kiểm soát mọi tờ báo nhờ vào điều luật Newspaper and printing presses act (NPPA) được thông qua vào năm 1974, bắt buộc mọi tòa soạn và nhà in hàng năm phải gia hạn giấy phép hoạt động. Ngoài ra, không một cá nhân nào được phép nắm đa số cổ phần tại một tờ báo. Thêm nữa, NPPA cũng quy định, những cổ đông được gọi là cổ đông điều hành, phải được sự thông qua của chính phủ, sẽ có quyền biểu quyết giá trị gấp 200 lần quyền biểu quyết của các cổ đông bình thường khác. Chính vì vậy mà đa phần thành viên ngồi trong Hội đồng quản trị của các báo đều là người của PAP. "Các báo của Singapore, hay phần lớn là vậy, đều là các cộng tác viên đắc lực của chính phủ", Cherian George, cựu phóng viên của tờ Straits Times, hiện là giảng viên của Trường truyền thông và thông tin Wee Kim Wee, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, đã nhận xét như vậy.

Singapore là một trong những quốc gia có tỉ lệ người truy cập vào Internet cao nhất thế giới. Năm 1992, chính phủ đã khởi công kế hoạch mang tên IT2000, nhằm biến quốc đảo này thành "hòn đảo thông minh", nơi dẫn đầu về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống. Gần 20 năm sau, chương trình này đã đem lại nhiều kết quả nhất định. Vào tháng 2 năm 2011, mạng công nghệ ZDNet đã công bố thông tin rằng: theo khảo sát của Firefly Millward Brown: một công ty nghiên cứu thị trường Internet: thì Singapore là thị trường triển vọng nhất của các mạng xã hội. Trong tổng số 5 triệu dân của quốc đảo, có hơn 2 triệu người thường xuyên sử dụng Facebook.

PAP cũng đã quyết tâm phản đòn, khi thông qua một đạo luật quy định rất ngặt nghèo cách thức sử dụng Internet trong vận động bầu cử. Audio live hay video streaming bị quản lý chặt, nếu không sẽ bị xếp vào hạng mục tuyên truyền chính trị ngoài vòng pháp luật.

Cherian George cũng cho rằng, mặc dù ảnh hưởng của báo chí mạng ngày càng lớn, nhưng còn rất lâu nữa PAP mới mất quyền thống trị nền chính trị Singapore. Chính phủ cũng đã hơi nới lỏng lệnh hạn chế việc dùng Internet vào vận động tranh cử, bằng cách cho các ứng cử viên được dùng công nghệ mới vào việc vận động phiếu bầu nếu họ thông báo trước 12 tiếng cho Ủy ban tổ chức bầu cử.

Nhưng theo đánh giá của Gerald Giam, thành viên đảng Lao động Singapore, "Internet vẫn chỉ là một công cụ cho các ứng cử viên, nó chưa thể là một chiến lược chủ đạo, các cử tri vẫn đợi gặp trực tiệp mọi ƯCV để đánh giá và đưa ra quyết định của mình".

Megawati Wijaya

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

David Llewellyn - Trở thành triệu phú nhờ nghiện ngập ma túy

- Trích Courrier International; Paris -

Khi thị trường bất động sản trượt dốc vào năm 2008, David Llewellyn, người sở hữu một công ty xây dựng tại Anvers, Bỉ, tưởng sẽ phá sản. Nhưng người đàn ông 49 tuổi gốc Scotland đã chuyển hướng sang một lĩnh vực mà anh biết khá rõ vì là một con nghiện lâu năm, đó là kinh doanh các chất kích thích hợp pháp (hay chính xác hơn là chưa bị liệt kê vào danh sách cấm).

Kết quả là bây giờ David Llewellyn giống một doanh nhân thành đạt hơn là một con nghiện, tờ The Wall Street Journal nhận xét. Các sản phẩm mà David kinh doanh đứng về mặt pháp lý mà nói thì không hề bị cấm. Các cơ quan đấu tranh chống buôn lậu ma túy thường chỉ đủ lực tập trung chống buôn bán cocaïne hay heroïne mà không có đủ lực lượng để quản lý việc kinh doanh các chất kích thích thế hệ mới. Mà nếu có bắt được thì cũng rất khó buộc tội các con buôn.


Việc giao dịch kinh doanh chủ yếu qua Internet. Khách hàng có một số mua với mục đích sử dụng cá nhân, nhưng đa phần là giới đầu nậu mua buôn để bán lại tại các vũ trường.

Thời gian đầu, David Llewellyn kinh doanh méphédrone hay còn gọi là meow meow, một chất kích thích rất mốt tại châu Âu vào năm 2007. Đến năm 2010, sau khi có khoảng hơn 30 ca tử vong do sử dụng meow meow thì Ủy ban châu Âu mới ra quyết định cấm chất này.

Không chậm trễ, David Llewellyn đã hợp tác với một nhà hóa học để sản xuất một chất ma túy mới có tên là nopaïne. "Nó cũng hay như coke! Chất nopaïne ấy. Bạn có thể hít, có thể hút, có thể chích! Và hoàn toàn hợp pháp! Tôi chỉ bán những sản phẩm hợp pháp. Tôi không muốn phải sống những ngày cuối cùng của đời mình ở trong tù", doanh nhân chia sẻ. Chất kích thích mới này là một biến thể của thuốc Ritaline, một thuốc chống lại bệnh mất tập trung. "Và vì nopaïne có thể cũng sẽ sớm bị cấm, chúng tôi đã đang nghiên cứu một sản phẩm mới. Nó sẽ là một dạng ecstasy hợp pháp." Vậy Llewellyn và cộng sự tìm ra những hợp chất kích thích mới mà chưa bị cấm như thế nào. Họ chăm chỉ đọc các bài báo khoa học mới nhất liên quan đến hệ thần kinh cũng như Hóa sinh học của não để phát hiện ra những phân tử mới được tìm ra, đang trong quá trình nghiên cứu và chưa bị cấm.

David Llewellyn cũng là một nhà marketing tài năng. Năm 2010, khi được mời tới tham dự một chương trình truyền hình trực tiếp của Bỉ nhân lệnh cấm méphédrone. David không ngần ngại hít trực tiếp 1 gram trức ống kính truyền hình để chứng minh meow meow hoàn toàn an toàn khi sử dụng.

Esther Addley

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Chính sách của Campuchia nhằm ngăn chặn trào lưu dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc

- Trích Asia Times Online; Hồng Kông -

Campuchia và nhiều nước Đông Nam Á khác đang là khu vực nơi nhiều người đàn ông lớn tuổi đến kiếm một cô gái trẻ để lấy về làm vợ. Tình trạng này phát sinh nhiều việc bức bối. Chính phủ Campuchia vừa thông qua một đạo luật nhằm ngăn chặn điều này.


Một điều luật mới trong luật Hôn nhân và gia đình vừa được Bộ ngoại giao Campuchia thông qua. Theo đó, Campuchia cấm người nước ngoài trên 50 tuổi, hay có thu nhập dưới 2.500 USD hàng tháng được quyền kết hôn với một phụ nữ nước mình.

Ông Kon Luong, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Campuchia phát biểu: "Chúng tôi mong muốn những người phụ nữ Campuchia khi kết hôn với người nước ngoài sẽ có một cuộc sống tốt đẹp khi ra ngoại quốc. Tôi mong muốn đó sẽ là những cặp vợ chồng thật sự. Nếu tuổi tác quá chênh lệch, chúng tôi có quyền nghi ngờ về điều đó." Đạo luật này xuất phát từ tình trạng nhiều đàn ông Hàn Quốc đã ngược đãi với những cô vợ mới cưới của mình. Đạo luật mới hy vọng sẽ chống lại được điều này.

Campuchia không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực tình trạng đàn ông lớn tuổi sang tìm vợ đang ngày càng phát triển. Ở Phillippines và Thái Lan, ta cũng quan sát được điều tương tự nhưng cả hai quốc gia này vẫn chưa có bất kỳ động thái nào.


Ở Hàn Quốc, các trung tâm môi giới hôn nhân cung cấp dịch vụ lấy vợ ngoại quốc cho đàn ông lớn tuổi nước này là khá phổ biến. Vào năm 2009, đa phần phụ nữ được cưới về là người quốc tịch Trung Quốc, Việt Nam, hay Campuchia. Vì Campuchia là một quốc gia nhỏ ít dân, nên điều này trực tiếp tác động tới xã hội nhiều hơn. Trong nhiều làng tại tỉnh Kompong Cham [Miền Trung Campuchia], gần như toàn bộ phụ nữ trong làng đã kết hôn với người nước ngoài. Trong hai năm 2009 và 2008, chính phủ Campuchia đã có thời gian tạm cấm trong vòng 6 tháng việc phụ nữ Campuchia cưới người nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc sau khi nhiều vụ scandal bị phanh phui.

Vào tháng trước, chính quyền Hàn Quốc đã khởi tố một công dân nước mình sau khi anh ta giết cô vợ Campuchia của mình để hưởng số tiền bảo hiểm lên tới 1 triệu USD. Người đàn ông 45 tuổi người Hàn đã cho vợ uống thuốc ngủ trước khi tự tay đốt nhà. Trước đó, hắn ta đã mua 6 bảo hiểm nhân thọ mang tên vợ. Hiện tại, đã có khoảng 20.000 phụ nữ Campuchia theo chồng sang Hàn Quốc sinh sống theo thống kê của Uỷ ban bản vệ quyền con người Campuchia (LICADHO). Các buổi tuyển chọn được tổ chức như là bán thú cảnh vậy. Cò mồi đi tuyển gái tại các vùng nông thôn. Các cô gái được đứng theo hàng dọc, để đàn ông Hàn Quốc chọn lựa. Nếu lựa được người nào, người đàn ông sẽ trả tiền cho cò.

Nếu một số đám cưới kiểu này cuối cùng cũng mang tới hạnh phúc thật sự, thì phần nhiều là tình trạng bóc lột, coi vợ như nô lệ giúp việc. Nhiều đàn ông còn bắt vợ mình phải bán dâm.

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Phnom Penh còn khẳng định, nhiều đám cưới dạng này được thực hiện hoàn toàn qua người trung gian, đàn ông Hàn Quốc còn không qua Campuchia để xem mặt cô gái mà mình sẽ cưới.

Campuchia sẽ là quốc gia đầu tiên cấm đàn ông ngoại quốc cao tuổi cưới gái bản địa. Trường hợp tương tự duy nhất có lẽ là Jordan nơi một cô gái dưới 18 tuổi muốn cưới một người đàn ông hơn mình 20 tuổi phải được sự đồng ý của tòa án.

Julie Masis

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Trẻ em đến từ Fukushima bị kỳ thị tại nơi tị nạn

- Trích Tokyo Shimbun; Tokyo -

Bị cho rằng có khả năng gây lây nhiễm chất phóng xạ sang người khác, những trẻ em đến từ Fukushima đang bị hắt hủi và ức hiếp tại những nơi mà mình đi lánh nạn. Nhật báo Tokyo Shimbum đánh giá nên khẩn cấp lên án và đấu tranh chống lại hiện tượng này.


Vào tháng 3, những trẻ em đến từ Fukushima khi đang chơi tại một công viên tại Funabashi (tỉnh Chiba) đã bị những đứa trẻ bản địa ức hiếp. Sở giáo dục Funabashi đã được phản ánh điều này, và gửi đi một thông báo tới tất cả học sinh thuộc 813 trường học thuộc địa bàn mình quản lý, kêu gọi các em có những hành động đoàn kết hơn, cả trong lời nói và hành động của mình. Đây không phải là hình thực duy nhất là dân đang đi lánh nạn của Fukushima phải hứng chịu sự kỳ thị. Một số khách sạn từ chối cho dân đang đi sơ tán thuê phòng. Một số khác đòi sở Y tế phải xác nhận rằng di dân không gây nguy hiểm cho họ. Tất cả có thể chỉ xuất phát từ nỗi sợ hãi, nhưng đã làm tổn thương những người đang đi lánh nạn, những người đã phải thực sự hứng chịu quá nhiều điều không may mắn trong thời gian gần đây.

Dù rằng đây không phải là tình trạng đại trà, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, người dân đến từ Fukushima đang phải chịu đựng nhiều thiệt thòi từ cách đối xử của người khác. Giáo sư đầu ngành của đại học Tokyo, Kazuhiko Maekawa, đã phải lên tiếng: "Người dân ở vùng ngoại vi Fukushima chưa hề tiếp xúc với chất phóng xạ. Không có một lý do gì để kỳ thị họ cả".


Trong lịch sử, do thiếu thông tin, những người sống sót sau hai vụ ném bom tại Hiroshima và Nagasaki cũng đã phải hứng chịu nhiều làn sóng khai trừ. Họ khó kiềm được việc làm hay lập gia đình. Con và cháu của họ, khi sinh ra với sức khỏe bình thường cũng phải hứng chịu những điều tương tự. Năm hiệp hội những cựu nạn nhân của tỉnh Nagasaki đã yêu cầu thủ tưởng Nhật Naoto Kan phải có những hành động để chống lại nạn "kỳ thị hibakusha" (hibakusha có nghĩa là những người bị nhiễm xạ).

Trách nhiệm của chính phủ là phải cung cấp được những thông tin chính xác nhằm trấn an được dư luận. Sự lo lắng của các bậc phụ huynh sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Chính vì vậy mà sở giáo dục Funabashi cũng đề nghị toàn bộ phụ huynh hợp tác, tìm hiểu cụ thể các vấn đề của tai nạn hạt nhân lần này, nhằm xóa bỏ những nghi ngại không đáng có. Đang có hơn 3000 học sinh tiểu học và trung học từ Fukushima được chuyển đến các trường ở bốn tỉnh Tokyo, Chiba, Saitama và Kanagawa. Chúng tôi hy vọng các em sẽ có cuộc sống bình yên ở những nơi đang đón tiếp mình. Các em vừa trải qua ba biến cố lớn: trận động đất, trận sóng thần rồi cuộc khủng hoảng hạt nhân. Chúng ta hãy giúp các em không phải chịu thêm một niềm đau mới nữa.