Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Chiến tranh theo cách của Obama

- Trích The New York Times; New York -


Tổng thống Hoa Kỳ đã thành công trong việc giúp nước Mỹ bắt đầu một cuộc chiến theo cách khôn ngoan hơn nhiều những người tiền nhiệm.


Trong suốt một tháng trước khi chúng ta bước vào cuộc chiến chống lại Muammar Kadhafi, Obama đã cho chúng ta thấy nghệ thuật của một chính phủ tả khuynh khi chuẩn bị một cuộc chiến sẽ như thế nào. Cách đây 10 ngày, khi phe đối lập Libya bắt đầu bị dồn ép liên tục, bề ngoài có vẻ như Obama vẫn không muốn nước Mỹ nhúng tay vào cuộc nội chiến này. Nhưng trên thực tế, ngay từ đầu, Tổng thống đã chuẩn bị phương án cho Hoa Kỳ tham chiến. Ông chỉ muốn chúng ta sẽ tham gia chiến dịch lần này trong khuôn khổ một liên minh có nhiều đối tác nhất có thể, hơn là cư xử như những chàng cao bồi. Và chính phủ của ông đã thành công. Trong giai đoạn đầu tiên này, cuộc chiến tại Libya mang hình ảnh để phục vụ một lý tưởng cụ thể chứ không phải ta đang đi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác. Nó được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như Liên đoàn Ả Rập thông qua và ủng hộ. Lần này là một cuộc chiến theo yêu cầu của các nhà ngoại giao dưới quyền Hillary Clinton, chứ không phải các sĩ quan của Lầu năm góc dưới quyền Robert Gates. Nó có những mục đích nhân đạo, hơn là chỉ để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Cũng không phải Không lực hay Hải quân của chúng ta khai hỏa đầu tiên, mà là Không quân Pháp.

Lần can thiệp lần này, đặc biệt giống chính sách dưới thời tổng thống Bill Clinton, đánh dấu sự chấm hết của chính sách đơn phương áp dụng dưới thời chính quyền Bush. Lần này, không có cái kiểu tuyên chiến như "Nếu quý vị không ủng hộ chúng tôi, thì quý vị đích thị là khủng bố". Ngược lại, Nhà Trắng đang tôn trọng tối đa các Tổ chức quốc tế cùng các đồng minh, việc mà chính quyền Bush chẳng mấy khi để tâm.

Cách tham chiến này có những ưu điểm rõ rệt. Nó buộc các quốc gia khác phải chia sẻ gánh nặng chiến tranh với chúng ta, củng cố liên minh hơn là đặt chúng ta vào tình thế bị cô lập. Nó buộc các nước châu Âu cũng phải tham gia vào quá trình gìn giữ sự ổn định trên toàn thế giới, thay vì chỉ biết khoanh tay ngồi một chỗ rồi vẫn chỉ trích Hoa Kỳ.


Nhưng một cuộc chiến theo cách này không phải là không có những nhược điểm. Nó đòi hỏi luôn phải tìm được một giải pháp trung gian để thỏa mãn được tất cả các bên tham chiến. Mọi việc thường được quyết định chậm chạp. Một cuộc chiến mà mọi phía đều chắp một tay đằng sau lưng, thiếu sự toàn lực để đảm bảo chiến thắng cuối cùng.

Nếu nhìn lại kết quả của những cuộc chiến cuối cùng được chúng ta tiến hành theo đường lối tả khuynh. Như năm 1992 khi chúng ta can thiệp vào Somalia, dư luận đã quay lưng lại ngay khi phát hiện "các hoạt động nhân đạo", "phân phát hàng cứu trợ", đây vẫn là một cuộc chiến đi kèm những hoạt động và thiệt hại quân sự. Còn tại Nam Tư cũ, trong vòng hai năm, việc thực thi vùng cấm bay chẳng giải quyết được việc gì khi chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Mục tiêu của lần can thiệp này cũng chưa thực sự rõ ràng: trong khi Tổng thống Obama chính thức bày tỏ quan điểm Kadhafi phải từ bỏ quyền lực, thì Đô đốc Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng, lại không loại phương án rằng nhà lãnh đạo Libya có thể vẫn sẽ tiếp tục cầm quyền. Mọi hành động của chúng ta cũng gói gọn trong khuôn khổ Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, việc cấm đưa bộ binh tham chiến, điều mà Obama cũng mong muốn. Các đối tác của chúng ta còn mập mờ hơn. Như Amr Moussa, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, trong vòng 24 giờ đã phát biểu hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau.

Thời gian để hình thành một liên minh, thì Kahdafi đã cũng cố lại vị thế của mình, để nếu bây giờ có một lệnh ngừng bắn, Kahdafi sẽ kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya. Như Đô đốc Mullen cũng phải thừa nhận, cuộc chiến này có nguy cơ rơi vào ngõ cụt, và nhà độc tài Libya vẫn sẽ giữ được quyền lực của mình. Một "cuộc chiến có ít rủi ro nhất có thể" thường chứng minh điều ngược lại. Barack Obama đang muốn đặt cược vào việc lần này sẽ là một ngoại lệ của điều đó.

Ross Douthat

Các bài liên quan:

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Barack Obama: người đứng sau cánh gà hơn là dưới ánh đèn sân khấu

- Trích The Washington Post; Washington -

Qua mỗi một cuộc khủng hoảng, mỗi vị tổng thống Hoa Kỳ lại thể hiện rõ con người thật của mình hơn. Với Obama, cách ông hành động qua các cuộc khủng hoảng vừa qua tại Tunisia, Ai Cập, Libya, Bahreïn và Nhật Bản cho thấy đây là một người đàn ông thận trọng, trái ngược lại hoàn toàn những hình ảnh mà ta vẫn thường có sẵn định kiến về một người đứng đầu nước Mỹ.

Những tổng thống Hoa Kỳ của thế kỷ 19 là những người ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế. Phải đợi đến tận Teddy Roosevelt (tại chức từ năm 1901-1909), mới có một vị chủ nhân của nhà Trắng bước chân ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Woodrow Wilson (1913-1921) là người đầu tiên có chuyến công du chính thức sang châu Âu, nhưng bước ngoặt có lẽ là Franklin Roosevelt (1933-1945), người đã đặt vị thế mới cho mỗi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ - đồng thời cũng phải kiêm nhiệm là nhà "lãnh đạo của thế giới tự do" cho đến khi kết thúc chiến tranh lạnh.

Trong hai thập kỷ gần đây, kể từ khi Liên Xô tan rã, mỗi vị tổng thống Hoa Kỳ đặt mình vào vị trí nào trên bàn cờ chính sự thế giới lại tùy thuộc vào tính cách riêng của mỗi cá nhân họ. Trong nhiệm kỳ của Bill Clinton, khi đó nước Mỹ có một thời gian phát triển kinh tế rất bền vững, vừa không có đối trọng nào trên trường quốc tế, Bill Clinton vào vai như một "Tổng thống toàn cầu", đặt ảnh hưởng Hoa Kỳ để giải quyết gần như mọi cuộc xung đột trên thế giới. Còn với tổng thống Georges W. Bush, sau vụ ngày 11 tháng 9, ông có chính sách đơn cực, "hoặc là các anh cùng phe với nước Mỹ, hoặc là kẻ thù của nước Mỹ".


Tại thời điểm hiện tại, có thể Hoa Kỳ không còn điều kiện cho phép người đứng đầu nước Mỹ giữ vai trò như chúng ta vẫn mặc định về họ. Obama đang vào vai một nhà diễn giả, mọi hành động đều nằm trong khuôn khổ một liên minh, hơn là đơn độc hành xử theo ý mình như một tay cao bồi. Obama cũng không ngại để các quốc gia khác có một vai trò quan trọng trong hoạt động của liên minh, điều mà trước đây Hoa Kỳ luôn cố áp đặt mọi thứ.

Nhưng chính sách mềm mỏng này liệu có đủ để có thể đảm bảo những mục tiêu chính của Hoa Kỳ, lả phủ rộng nền dân chủ và ngăn chặn việc phát triển vũ khí hạt nhân. Từ vị thế "là người đàn ông quyền lực nhất thế giới", tổng thống Mỹ ngày nay như một người điều hành buổi họp, ông có thể trông rất thân thiện với nhiều chính khách, nhưng không thể áp đặt ý kiến của mình mạnh mẽ như những người tiền nhiệm.

Những tuần vừa qua cho thấy phần nào năng lực làm việc của Obama. Khi, John Kerry, thượng nghị sĩ bang Massachusetts và đồng thời là chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng nghị viện Hoa Kỳ, đã kêu gọi Washington nhanh chóng can thiệp vào Libya, Obama thì lại đợi Liên hợp quốc cũng như EU. Các cuộc biểu quyết đã kéo dài tới tận ngày 17 tháng 3 mới kết thúc, cho phép Kadhafi có thời gian dành lại quyền chủ động trước phiến quân. Kết quả của việc can thiệp vào Libya là quá muộn hay vừa kịp thời sẽ trả lời cho câu hỏi quyết định của Obama có là sáng suốt hay không.

Ở các đề tài nóng khác, chính sách của Obama cũng thu được những kết quả rất hạn chế. Ví dụ Mỹ không đồng tình việc Ả rập Saudi can thiệp vào nội bộ Bahrein, nhưng cũng không làm gì để ngăn cản cũng như thuyết phục hoàng gia nước này bắt đầu những cải cách xã hội. Với nước Nhật, Obama cũng không khiến nước Nhật cung cấp thông tin rõ ràng hơn về tình trạng thực tế trong cuộc khủng hoảng hạt nhân vừa rồi.

Nhưng nếu nghĩ lại cái giá mà nước Mỹ đã phải trả cho chính sách can thiệp rộng vào các vấn đề quốc tế của mình trong thập kỷ vừa qua, có lẽ rất nhiều người nên ủng hộ Obama. Với những thách thức ở các vấn đề đối nội mà nước Mỹ sắp trải qua, Obama và những người kế nhiệm mình có lẽ sẽ là những người biết kiềm chế hơn trên trường quốc tế.

David J. Rothkopf

Các bài liên quan:

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Tờ báo điện tử của CIA

- Trích The Wall Street Journal; New York -

Cơ quan tình báo Hoa Kỳ hàng ngày dịch ra tiếng Anh và đăng tải hàng nghìn bài viết từ các báo cũng như các blog nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới.


Giả sử sau khi cách mạng Ai Cập thành công, bạn muốn biết báo chí Ai Cập sau khi thoát được kiểm duyệt viết những gì, nhưng bạn lại không biết tiếng Ả-rập. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, có thể bạn sẽ quan tâm tới trang World News Connection (WNC). Đây là trang tin có khối lượng nội dung đồ sộ nhất nước Mỹ, nhưng nghịch lý là rất ít người biết tới nó. Thông qua WNC, bạn có thể đọc bằng tiếng Anh nội dung của 1750 nguồn tin khác nhau (báo viết, chương trình truyền hình, chương trình radio, blog vv.) từ 130 quốc gia. Việc dịch thuật được thực hiện bởi các dịch giả thực thụ chứ không phải là dịch máy. Chi phí để duy trì một trang thông tin như vậy phải là vô cùng lớn, nhưng ngân sách để hoạt động WNC là tối mật vì nó nằm trong nguồn ngân sách của CIA.

John Hounsell được giao nhiệm vụ kinh doanh khối lượng thông tin này tới công chúng. Anh là việc ở Virginia, trong một cục thuộc bộ Thương mại Hoa Kỳ có nguồn kinh phí tự trang trải thông qua việc kinh doanh những mảng thông tin mà các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ đã thu thập. Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét xem trong các báo cáo của CIA có tin gì có thể bán lại cho công chúng thông qua mạng WNC.

Bộ Thương mại tiếp nhận nguồn tin miễn phí từ phía CIA nhưng kết quả kinh doanh của WNC vẫn còn khá tệ: với doanh thu năm ngoái vào khoảng 500.000 USD cho 2.5 triệu lượt đọc. Nhưng John Hounsell đang hy vọng tình hình sẽ có những biến chuyển mới, khi WNC vừa ký liên doanh với ProQuest, một công cụ tìm kiếm cho phép hàng ngàn mạng máy tính ở các thư viện và doanh nghiệp có thể truy cập vào WNC. (Hiện nay, với các cá nhân, phí truy cập vào World News Connection mỗi năm là vào khoảng 300 USD hay 4 dollar cho mỗi lần sử dụng dịch vụ).


Nguồn thông tin của WNC do trung tâm Open Source Center (OSC) thuộc CIA sản xuất. Trang tin của OSC là tuyệt mật nhưng John Hounsell đã cho tôi thấy qua màn hình máy tính của anh nó trông như thế nào. Ở đấy tôi thấy các kênh truyền hình nước ngoài có phụ đề tiếng Anh được phát trên streaming vv.

Cách duy nhất để tiếp cận nguồn thông tin của OSC sản xuất là thông qua WNC. Hàng tháng CIA chuyển cho WNC 40.OOO bài viết mà họ không cho là tuyệt mật. Chúng tôi không biết CIA giữ lại gì cho mình và cái gì được phép chuyển qua WNC.

Nhưng ta tự hỏi tại sao WNC lại thu phí. Câu trả lời là họ dùng số tiền này để trả tiền tác quyền. Nếu CIA không trả đồng nào với nội dung họ dịch rồi gửi đi các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, thì WNC khi muốn kinh doanh những nội dung này phải trả tiền bản quyền cho các tác giả. John Hounsell đã học câu "có ai nói được tiếng Anh không" bằng nhiều thứ tiếng và hàng ngày giành nhiều thời gian viết mail cho các đối tác xem họ có đồng ý phát hành tin tại WNC hay không. Nếu các nguồn tin từ chối, WNC phải gỡ bỏ thông tin.

Nhưng cũng có một ngoại lệ, WNC không bao giờ trả tiền cho các "kẻ thù của nước Mỹ". Ví dụ như để có thể tiếp tục đăng tải bài phát biểu mới nhất của Kahdafi, Hohn Hounsell đã không ghi tên tác giả.

Barry Newman

Link:

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Hun Manet - Nhà lãnh đạo Campuchia tương lai

- Trích Bangkok Post; Bangkok -

Với người Thái, Hun Manet không phải ai xa lạ. Đây chính là vị tướng trẻ chỉ huy lực lượng Campuchia trong chiến dịch tranh chấp đền Preah Vihear vào hồi tháng 2 vừa rồi. Ai cũng biết một điều đặc biệt thêm nữa ở Hun Manet, rằng anh chính là con trai ruột của thủ tướng Hun Sen [người đứng đầu chính phủ Campuchia từ năm 1985]. Cơ quan tình báo của quân đội Thái đã bắt đầu để ý tới Hun Manet từ khi anh theo học Học viện quân sự danh giá West Point tại Hoa Kỳ. Cha anh cũng có qua Mỹ dự lễ trao bằng. Từ đó, toàn bộ các chuyên gia đánh giá, Hun Sen có tham vọng một ngày sẽ đặt con trai mình vào vị trí chỉ huy lực lượng quốc phòng Campuchia, và xa hơn nữa, sẽ thay thế mình điều hành đất nước.

Bước đầu tiên khi bất chấp nhiều luồng dư luận, Hun Sen đã gắn quân hàm tướng hai sao cho Manet, đặt anh vào vị trí phó tư lệnh lực lượng an ninh của Phủ thủ tướng. Các sĩ quan Thái Lan đã nhận thấy Hun Sen đang dùng con trai mình như tùy viên liên lạc với Washington. Hoa Kỳ đã tăng viện trợ quân sự cho Campuchia, đồng thời giúp quốc gia này công tác đào tạo và huấn luyện cho một số đơn vị.


Sau khi tốt nghiệp West Point, Hun Manet sang Anh học kinh tế. Tại đây, anh có giao du với nhiều sinh viên và sĩ quan Thái cũng đang học tập tại đảo quốc sương mù. Các mối quan hệ ở Thái của anh được mở rộng khi anh tham dự nhiều hội thảo quân sự cũng như nhiều lần qua Bangkok. "Dù anh ta là con thủ tướng, Hun Manet là một người dễ gần và rất biết sống", một sĩ quan Thái Lan nhận xét. "Chúng ta đều biết rằng một ngày Hun Manet sẽ trở thành Thủ tướng Campuchia. Hun Sen yêu cậu ta, luôn lắng nghe các ý kiến của cậu và luôn bảo ban cậu khi có thể."

Trong quân đội Thái, mọi người đều phát biểu rằng không phải ngẫu nhiên khi Hun Sen quyết định cho Hun Manet chỉ huy chiến dịch vừa rồi. "Nó sẽ giúp uy tín của cậu ta trong toàn quân cũng như trong lòng nhân dân Campuchia được nâng cao", một sĩ quan khác trong quân đội Thái bình luận. Nó sẽ khiến Hun Manet giống như bao vị anh hùng Khờ me trong các sách giáo khoa lịch sử đã anh dũng chống lại quân xâm lược Xiêm. Nhưng ngay khi tình hình lắng dịu, tướng Hun Manet lại vào vai người đàm phán khéo léo. Cậu ta thường xuyên tiếp xúc với tướng Prayuth Chan-ocha, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thái, cũng như tướng Thawatchai Samutsakhon, tư lệnh quân đoàn hai. Vì vậy một thỏa thuận giữa bộ chỉ huy hai bên đã được nhanh chóng ký kết.

Tại biện giới, tình hình đã tạm thời lắng xuống, dù quân đội hai bên vẫn đang được đặt trong tình trạng báo động thường trực. Nhưng kết quả dù sẽ thế nào, thì Hun Manet hiện tại đã trở thành một người anh hùng trong lòng dân tộc của anh ta.

Các bài liên quan:

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Canada - Trường đại học hoàn trả lại học phí nếu sinh viên ra trường không kiếm được việc

- Trích Maclean's; Toronto -

Một số đại học Canada cam kết hoàn trả lại tiền học phí nếu sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.


Carlie Deneiko, một cô gái 20 tuổi hiện đang học ngành sư phạm tại trường đại học Regina, Saskatchewan không lo lắng lắm cho tương lai của mình: chương trình đào tạo của cô là một trong 355 chương trình tham gia dự án UR Guarantee, một ý tưởng của đại học Regina đảm bảo cho sinh viên kiếm được một việc làm, theo đúng chuyên ngành mà họ được đào tạo, trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Nếu không vậy, trường sẽ đào tạo sinh viên miễn phí thêm một văn bằng hai trong thời gian một năm sau đó.

Kể từ khi được áp dụng từ tháng 9 năm 2010, dự án UR Guarantee đã có những kết quả đầu tiên. Regina cũng không phải là trường đại học duy nhất muốn đảm bảo cho sinh viên một công việc khi ra trường: Saint-Anne, một đại học nhỏ tại Church Point, New Scotland, còn tiến xa hơn. Trường cam kết hoàn trả lại toàn bộ học phí cho sinh viên ngành thương mại nếu họ không kiếm được việc 4 tháng sau khi ra trường.

Tuy nhiên, còn rất nhiều nơi không bao giờ điều tra xem sinh viên của họ sau khi tốt nghiệp hiện tại đang làm gì, có kiếm được một công việc đúng chuyên ngành của mình hay không. "Trong khi điều này là tối quan trọng", Indira Samarasekera, hiệu trưởng đại học Alberta chia sẻ: "Nếu sinh viên của bạn không kiếm được việc, có nghĩa là các nhà tuyển dụng đánh giá họ không đủ năng lực, điều này đồng nghĩa với việc chương trình đào tạo của bạn đang có vấn đề."


Theo thống kê của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Canada (AUCC), học phí tại Gia-na-đại đã tăng từ trung bình 1900 dollar Canada vào năm 1990 lên 5100 dollar vào năm 2010. Nếu tính tất cả các khoản chi phí khác, 4 năm học đại học thường tốn khoảng 80.000 dollar Canada. "Đây là một khoản đầu tư lớn mà các gia đình cần đảm bảo rằng có thể thu hồi" - Robert Campbell, hiệu trưởng trường Mount Allison ở Sackville (New Brunswick), nhận xét.

Lương của một người có bằng tốt nghiệp đại học cao hơn khoảng 75 % so với những người chỉ tốt nghiệp phổ thông. Từ năm 1999 đến năm 2009, số lượng công việc giành cho họ tăng từ 1,9 triệu việc làm lên 4,2 triệu vị trí. Trong khi trào lưu ngược lại với những người chỉ tốt nghiệp phổ thông hoặc không bằng cấp.

Còn trường Ryerson tại Toronto luôn kiểm soát lượng sinh viên đầu vào theo thực tế của thi trường lao động. Sheldon Levy, hiệu trưởng của trường chia sẻ: "Như với ngành báo chí, chúng tôi có rất nhiều thí sinh xin học. Nhưng nhìn vào thị trường lao động đang có rất ít đầu ra, chúng tôi quyết định không tăng số lượng chỉ tiêu mà chỉ tập trung nâng cấp chất lượng chương trình học."

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ nền giáo dục phải lệ thuộc vào thị trường lao động: "Nhiệm vụ của giáo dục, là đào tạo nên những cá nhân có cái đầu biết độc lập suy nghĩ, để có thể xoay sở trong mọi trường hợp", đó là quan điểm của trường King's College tại Hallifax. Sinh viên năm nhất của trường vẫn học Platon, Dante hay saint Augustin. "Và sẽ kinh ngạc với nhiều người khi biết rằng, sinh viên chúng tôi khi tốt nghiệp xoay xở không quá tệ." - thầy Daniel Brandes của trưởng tự hào thông báo.

Kate Lunau

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Đức Đạt-lai Lạt-ma tìm người kế nhiệm

- Trích Asia Times Online; Hồng Kông -

Ở tuổi 75, Đức Đạt-lai Lạt-ma muốn rút lui khỏi các trách nhiệm chính trị của mình, chỉ đơn thuần giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của người Tâu Tạng. Sư tin tưởng vào hệ thống dân chủ để bầu lên một nhà lãnh đạo mới cho Hội đồng Nhân dân Tây Tạng. Kết thúc vòng bỏ phiếu đầu tiên, hai nhân vật được học ở Hoa Kỳ đang dẫn đầu số phiếu.


Tenzin Taklha, người phát ngôn viên của chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Dharamsala đã trả lời báo trí, rằng Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ chính thức tuyên bố thôi nắm giữ các vai trò chính trị của mình vào tháng ba năm 2011. Và thời gian chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng tiếp theo đó. Người dân Tây Tạng cũng ý thức được rằng đến một ngày, do tuổi cao, Đức Đạt-lai Lạt ma cũng có quyền được trao lại các trách nhiệm chính trị của mình. Ngày mùng 3 tháng 10 năm 2010, cuộc tổng tuyển cử bầu ra vị kalon tripa [Thủ tướng] mới cho chính phủ Tây Tạng đóng tại Dharamsala đã được diễn ra. Có hai ứng cử viên thực sự nổi bật: Lobsang Sangay, hiện đang làm nghiên cứu tại trường Harvard Law School, và Tenzin Namgyal Tethong, một nhà ngoại gia đang sống tại Hoa Kỳ. Cả hai nhân vật này đều được đào tạo tại Hoa Kỳ, vì vậy theo nhiều quan sát viên, họ sẽ đem nhiều ảnh hưởng của phương Tây hơn đến phong trào đấu tranh của người Tây Tạng, vì vậy có thể sẽ đối đầu trực diện với Bắc Kinh mạnh mẽ hơn.

Trong số 79 449 cử tri đăng ký, có khoảng 47 000 người (khoảng 61 %) đã tham gia bỏ phiếu tại 56 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Népal, Bhutan, Hoa Kỳ, Úc hay các nước châu Âu. Lobsang Sangay dẫn đầu với 22 489 phiếu, so với 12 319 giành cho Tenzin Namgyal Tethong. Dolma Gyari, hiện là phó chủ thịch Quốc hội Tây Tạng, đồng thời cũng là phụ nữ duy nhất tham gia tranh cử về đích thứ ba với 2 733 phiếu. Trong số 17 ứng cử viên tại vòng một, ủy ban bầu cử chọn ra sáu người lọt vào vòng hai.


Trong cuộc bầu cử này, các ứng cử viên đã trả lời các câu hỏi của cử tri qua Internet. Với câu hỏi: "Theo ông, trách nhiệm của kalon tripa sắp tới sẽ là gì?" Lobsang Sangay đã trả lời: "Trước tiên, ta phải định nghĩa được nhiệm vụ của kalon tripa sẽ là một nhà quản lý tổ chức của người Tây Tạng, hay là một nhà lãnh đạo chính trị phong trào của người Tây Tạng. Nếu Đức Đạt-lai Lạt-ma cho phép nền dân chủ chúng ta chuyển mình phát triển nhiều hơn, nhiệm vụ của người kalon tripa sẽ là tìm một giải pháp cho việc phản đối sự chiếm đóng của người Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và xây dựng hình ảnh của quốc hội Tây Tạng có vai trò rõ rệt hơn." Với quyền lợi của người Tây Tạng, Lobsang Sangay phát biểu "họ có quyền được tự quyết""mục đích cuối cùng của Bắc Kinh là đồng hóa người Tây Tạng thành người Hán". Ứng cử viên nặng ký còn lại, Tenzin Namgyal Tethong, là một giáo sư xuất sắc của đại học Stanford. Ông bắt đầu giúp đỡ phòng trào người Tây Tạng lưu vong khi thường xuyên sang Ấn Độ dạy sinh viên Tây Tạng trong các trại tị nạn. Ông cũng là người đại diện cho Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Hoa Kỳ.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được công bố trong tháng 3 này. Nhà lãnh đạo mới của người Tây Tạng sẽ chọn giải pháp tiếp tục hòa đàm ôn hòa của Sư hay đi theo một đường hướng mới mãnh mẽ hơn để tránh luôn chịu chấp nhận lùi bước trước những động thái của Trung Quốc. Không cần phải nhắc lại Bắc Kinh theo dõi cuộc bỏ phiếu này sát sao như thế nào trước diễn biến có một nhà lãnh đạo người Tây Tạng mới cứng rắn và thân Tây phương hơn.

Saransh Sehgal

Các bài liên quan:

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Các ƯCV đảng Cộng hòa đều ngán Barack Obama

- Trích The Economist; London -

Rất ngại với ý nghĩ khi phải đối đầu với Tổng thống Obama vào năm 2012, tất cả các ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa đều đang lưỡng lự xem có nên hay không nên tham gia vào cuộc chạy đua.


Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Tổng thống Hoa Kỳ năm 2012 sẽ diễn ra. Vào cùng thời điểm này cách đây 4 năm, đã có 8 ứng cử viên của đảng Cộng hòa và 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ vào cuộc. Còn hiện tại, tính tới thời điểm này, chưa có bất cứ ứng cử viên nào chính thức lên tiếng sẽ ra tranh cử. Chỉ mới có Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ nghị viện, đã lập một "ban nghiên cứu" để thăm dò dư luận. Chưa bao giờ người ta lại thấy một cuộc chạy đua vào nhà Trắng lại được khởi động chậm chạp đến vậy từ năm 1992. Không phải là "Đảng con voi" thiếu các chính trị gia có tham vọng, nhưng điều khiến đa phần trong số họ đều đang rất lưỡng lự, là do tất cả đều đang đặt câu hỏi liệu họ có khả năng đánh bại được Obama hay không?

Sau khi đại thắng ở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa rồi, các lãnh đạo đảng Cộng hòa khi đó đều đã tự tin sẽ dành lại được nhà Trắng. Nhưng kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, mới chỉ có 3 tổng thống đương nhiệm thất bại khi tranh cử nhiệm kỳ thứ hai [Gerald Ford, Jimmy Carter và George Bush cha]. Cả ba đều phải đánh bại những đối thủ nặng ký khác ở cuộc bầu cử sơ bộ trong khi đảng Dân chủ hiện giờ vẫn chưa có một ai đủ khả năng để thay thế Obama. Ngoài ra khi Ford và Bush cha thất bại, đảng của họ đã nắm giữ nhà Trắng trong vòng 8 và 12 năm, còn Obama và đảng Dân chủ mới thay thế đảng Cộng hòa cách đây chưa đầy hai năm.


Mọi người vẫn còn nhớ Obama xuất sắc như thế nào trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông là một thủ lĩnh thực sự, là một tài năng xuất chúng luôn biết cách lên dây cót tinh thần đám đông tình nguyện viên và những người ủng hộ mình. Êkíp giúp ông ra tranh cử năm đó vẫn còn nguyên vẹn. Moi người đều chắc rằng tại cuộc đua năm 2012, bộ máy này sẽ vẫn được vận hành trơn tru như năm 2008. Đến mức gần đây, Haley Barbour, Thống đốc bang Mississippi và là một ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa đã phải thốt lên, Barack Obama "là một trong những chính trị gia xuất sắc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ".

Nhưng cũng có một vài chỉ số cho thấy, Obama cũng có những điểm yếu của mình. Nền kinh tế Hoa Kỳ, điểm chính trong mọi cuộc bầu cử, vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Tỉ lệ người thất nghiệp đang ở mức kỷ lục là 8,9 %. Nếu Jimmy Carter thất bại trước Ronald Reagan vào năm 1980, một trong những nguyên nhân chính là tỉ lệ người thất nghiệp khi đó ở mức 7,5 %.

Danh sách những ứng cử viên có tham vọng của đảng Cộng hòa thì dài. Ngoài Newt Gingrich, còn có Mitt Romney, cựu thống đốc bang Massachusetts, người đã từng tham gia cuộc chạy đua năm 2008. Ngoài ra còn phải kể đến cựu thống đốc bang Minnesota Tim Pawlenty, cựu thống đốc bang Utah Jon Huntsman và cựu thượng nghị sĩ bang Pennsylvanie Rick Santorum. Đấy là những ứng cử viên nghiêm túc, nếu ta đem so sánh với tỉ phú Donald Trump, người tuyên bố có thể tham gia tranh cử vì không ai "có một phần mười năng lực của mình".

Tiếp đến là những người mà dự định còn khá mập mờ. Như Sarah Palin, ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho vị trí phó tổng thống ở cuộc bầu cử lần trước. Hiện Palin đang là ngôi sao sáng của phong trào siêu bảo thủ Tea Party.

Mike Huckabee, người về nhì ở cuộc chạy đua 4 năm lần trước, cũng như Rudy Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York luôn là những người rất kiệm lời. Còn Haley Barbour và thống đốc bang Indiana Mitch Daniels, họ đều tuyên bố sẽ không đưa ra quyết định chính thức nào trước tháng 4 cả.

Nhiều ứng cử viên nhưng không có ai thực sự nổi bật khiến tất cả bọn họ đều đang phải quan sát động thái của nhau. Ví dụ như nếu Sarah Palin quyết định tham gia cuộc chạy đua, hai nhân vật nổi bật khác của Tea Party là Michele Bachman, hạ nghị sĩ bang Minnesota và Jim DeMint, thượng nghị sĩ bang Nam Carolina sẽ rút lui.

Nhưng vì lý do gì, họ cũng chẳng thể chần chừ mãi được. Tất cả mọi người đều phải bắt đầu đi kêu gọi nguồn tài chính, xây dựng đội ngũ của mình, mở các văn phòng đại diện tại tất cả các bang sẽ diễn ra những cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiền. Với những ứng cử viên còn chưa được đại đa số công chúng biết đến, công việc còn nặng nề và đòi hỏi nhiều thời gian hơn nữa. Mọi người nên nhớ trường hợp của Fred Thompson, người đã chậm trễ tham gia cuộc chạy đua năm 2008 và cuối cùng đã thất bại nặng nề như thế nào.

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Trung Quốc muốn xây dựng "kênh đào Panama trên bộ"

- Trích Semana; Bogotá -

Trung Quốc đang có tham vọng đầu tư vào tuyến đường sắt nối liền hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Colombia. Một dự án đã có từ nửa thế kỷ nay nhưng vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi.


Trung Quốc đang có tham vọng đầu tư vào tuyến đường sắt nối liền hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Colombia. Một dự án đã có từ nửa thế kỷ nay nhưng vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Báo chí Trung Nam Mỹ đang vô cùng hào hứng với kế hoạch đầu tư của Bắc Kinh, vì tuyến đường sắt này có thể sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với kênh đào Panama. Ngoài Colombia, các nước khác trong khu vực gồm Guatemala, Costa Rica, Honduras, Nicaragua, xa hơn nữa là Brazil và Venezuela đều thấy được lợi ích nếu có một tuyến đường bộ nối liền hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt này đã có từ hơn 50 năm nay, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi. Đã không dưới 25 lần tuyến đường dự kiến bị thay đổi. Năm 2010, chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Hoa cùng một nhóm cán bộ công ty Đường sắt Trung Quốc đã gặp tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos, để đề đạt nguyện vọng được đâu tư vào dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 250 km.

Tháng 2 vừa rồi, Tổng thống Juan Manuel Santos đã cung cấp nhiều chi tiết hơn, theo đó ngoài việc xây dựng tuyến đường sắt, Trung Quốc còn đầu tư xây dựng một thành phố mới nằm ở phía nam Cartagena [bên bờ Đại Tây Dương], đây sẽ là một trung tâm lắp ráp sản phẩm trước khi được tái xuất khẩu đi Hoa Kỳ hay các nước Mỹ Latinh khác. Chính phủ Colombia rất hào hứng với kế hoạch này, vì ngoài việc sẽ phát triển một vùng còn hoàng vu của Colombia, đây cũng là một dự án có giá trị lớn với tổng vốn đầu tư là 2,7 tỉ USD.

Nhưng với nhiều chuyên gia, lợi ích thật sự của dự án còn cần được tính toán kỹ. Với những ai còn hoài nghi, đây là một kế hoạch rất tốn kém và khó thu hồi được vốn đầu tư. Nếu theo các tính toán hiện tại, một conteneur qua kênh đào Panama sẽ tốn 100 USD, còn chuyên chở bằng đường sắt sẽ tốn kém gấp 5 lần. Với một tàu chở 12.000 conteneur, cần 30 chuyến tàu hỏa để hoàn thành cùng khối lượng. Chưa kể Colombia phải nâng cấp hệ thống cảng biển bên bờ Thái Bình Dương, và lượng hàng trao đổi từ Châu Á phải tăng vọt nếu dự án muốn có lãi.

Ngoài ra, kênh đào Panama sẽ được mở rộng vào năm 2014, cho phép tàu lớn có thể qua lại, nâng khối lượng 300 triệu tấn hàng hóa trao đổi qua kênh đào hàng năm lên 600 triệu tấn. Panama cũng đang nâng cấp ba cảng Colon, Balboa và Manzanillo cùng hệ thống đường sắt và đường bộ của mình để đáp ứng cho kế hoạch mở rộng này. Thêm một câu hỏi nữa là tại sao một dự án như vậy không được xây dựng tại Trung Mỹ khi tuyến đường nối hai bờ Đại dương sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.

Nhưng với lượng dự trữ ngoại tệ rồi rào của mình, không phải là Bắc Kinh không thể cho phép mình đầu tư vào một dự án như thế này. Đây là một dự án tối quan trọng trong chiến lược phát triển của họ. Trung Hoa đại lục đang cần nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nam Mỹ ở bên bờ Đại Tây Dương [Dầu mỏ Venezuela và than Colombia] cho nền kinh tế của mình. Tất cả các tài nguyên thiên nhiên trên cần được chuyên chở sang bờ Thái Bình Dương. Nếu dự án được triển khai, nhiều khả năng nó sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015. Trung Quốc từ vài năm nay đã xây dựng nhiều tuyến đường sắt đáng kinh ngạc, như tuyến được cao tốc nối Thượng Hải và Hàng Châu dài 220 km được hoàn thành chỉ vỏn vẹn trong vòng 20 tháng.

Nếu Trung Quốc được quyền ưu tiên sử dụng tuyến đường sắt liên Đại Dương này, họ sẽ có cơ hộ tiếp cận thị trường các nước đang phát triển năm bên bờ Đại Tây Dương, một thị trường từ trước đến nay vốn vẫn quá xa vời và tốn kém đối với họ. EU và Hoa Kỳ nên bắt đầu lo ngại về điều này, vì họ không còn là bá chủ duy nhất trên Đại Tây Dương.

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Giải pháp của Trung Hoa nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của làn sóng biểu tình tại Trung Đông

- Trích Tín Báo; Hồng Kông -

Ngày 27 tháng 2 vừa rồi, lại một lần nữa Thủ tướng Ôn Gia Bảo lại đăng đàn đối thoại với nhân dân Trung Hoa thông qua mạng Internet. Cách đây chưa lâu, Thủ tướng cũng đã làm vậy, nhưng lần này lại trong bối cảnh làn sóng biểu tình đòi dân chủ từ Bắc Phi và Trung Đông có thể gây hiệu ứng domino lan sang nhiều khu vực khác nữa. Tại một thời điểm nhạy cảm thế này, việc Thủ tướng chủ động đối thoại với nhân dân được coi như một động thái nhằm xoa dịu dư luận đang nhức nhối trước nhiều vấn đề lớn. Tất nhiên là những câu hỏi gai góc nhất đã được lọc và loại bỏ. Thủ tướng đã trình bày về kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá bất động sản, và tiếp tục mạnh tay chống tham nhũng. Thủ tướng đã hứa sẽ giải quyết vấn đề về sự chênh lệch giàu nghèo đang quá lớn, tiến tới một xã hội cân bằng và công bằng hơn. Ông cũng đề cập đến các nguyên nhân xã hội và kinh tế gây ra làn sóng biểu tình ở Trung Đông và các nước Maghreb. Làn sóng này đã buộc chính quyền Bắc Kinh phải sửa đổi một số đường lối trong chính sách của mình.

Tình hình tại Trung Đông đang tạo một sức ép lớn lên chính quyền Trung Hoa. Họ phải giữ được một nền kinh tế phát triển mạnh, với hy vọng sẽ tạo được đủ công ăn việc làm cho người lao động trẻ. Từ vài năm nay, tình trạng sinh viên ra trường bị thất nghiệp đang là một vấn đề nan giải mà Bắc Kinh chưa thể giải quyết. Đây là điều kiện cần đầu tiên nếu Trung Quốc muốn giữ ổn định xã hội.


Điều thứ hai là phải chống lạm phát hiệu quả, đồng thời hạ nhiệt thị trường bất động sản. Trước khi tình hình Trung Đông bùng phát, Bắc Kinh cũng đã bắt đầu đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết hai vấn đề này, tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế. Giá lương thực tăng do giá cả của thế giới biến động, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng. Còn về vấn đề giá bất động sản, nó liên quan đến quá nhiều vấn đề khác nữa khiến nó vẫn là bài toán không lời giải cho Bắc Kinh từ vài năm nay. Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ đưa ra một biện pháp mạnh chống đầu cơ là thắt chặt các khoản vay tín dụng, đồng thời tăng lãi xuất. Tránh cho đại đa số người dân không thể đủ khả năng mua nhà, trong khi giới đầu tư bất động sản thì giàu sụ.

Cải thiện đời sống cho người có thu nhập thấp, cải thiện hệ thống lương hưu và phúc lợi xã hội là các chủ đề chính mà Thủ tướng đề cập. Từ khi tình hình Trung Đông bùng phát, báo chí phương Tây đánh giá nó khó có thể có ảnh hưởng lớn tới Trung Quốc, vì tình hình ở hai nơi khác nhau. Tại Trung Đông và Bắc Phi, người dân không xuống đường đòi dân chủ như mọi người vẫn lầm tưởng. Những khẩu hiểu mà người biểu tình hô hào là "việc làm", "lương thực", "và một hệ thống phúc lợi xã hội", những đề tài mà các nhà lãnh đạo Trung Hoa xoay xở không quá tệ. Do đó Bắc Kinh không nên lo ngại làn sóng biểu tình có thể lan tới được đất nước đông dân nhất thế giới. Chính vì vậy có phải là hơi quá đà các biện pháp mà chính quyền Trung Hoa đang áp dụng với những người bất đồng chính kiến [cảnh sát tập trung ở các điểm có thể tụ tập, nhiều vụ bắt bớ đã diễn ra với tội danh "kích động lật đổ nhà nước]. Trong bài phát biểu, Thủ tướng còn trích dẫn lời Tổng thống Tôn Dật Tiên để nói về xây dựng hạnh phúc toàn dân. Chúng ta hy vọng, trong vòng 5 năm tới, chính phủ Trung Quốc sẽ có những đầu tư lớn xây dựng cơ sở hạ tầng và các hệ thống cần thiết để đảm bảo một nền phúc lợi xã hội.

Các bài liên quan:

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Phụ nữ Việt bị lừa sang Thái Lan làm nghề đẻ mướn

- Trích Bangkok Post; Bangkok -

Cảnh sát Thái Lan vừa bắt giam ban giám đốc một công ty chuyên cung cấp phụ nữ làm nghề đẻ mướn cho các cặp vô sinh. Công ty mang tên Baby 101, được điều hành bởi Siang Lung Lor, một người mang quốc tịch Đài Loan. Hầu như mọi hoạt động của công ty chỉ diễn ra thông qua Internet. Các cô gái trẻ người Việt được công ty tuyển chọn đưa sang Thái Lan, sẽ mang thai và làm nghề đẻ mướn cho một cặp vợ chồng vô sinh người Thái. Giá dịch vụ chọn gói là vào khoảng 1.5 triệu bath [khoảng 35.000 euro] cho mỗi thai nhi, trong khi mỗi cô gái người Việt mang thai chỉ được hưởng hơn 10 %, 165.000 bath [khoảng 3.800 euro] từ số tiền này. Ngoài viện phí và một số khoản chi phí khác, ông chủ người Đài Loan vẫn kiếm bộn từ dịch vụ.

Sau khi đóng cửa website của Baby 101, chính phủ Thái Lan đã quyết định bắt giam ban lãnh đạo công ty cùng đồng phạm, vì họ coi đây như một hình thức bóc lột thân xác phụ nữ. Các cô gái trẻ người Việt khi được tuyển chọn không được biết khi sang Thái sẽ làm việc gì, họ chỉ được hứa sẽ có một công việc với mức thu nhập cao. Sang đến Thái, họ bị tịch thu hộ chiếu và gần như phải chấp nhận mọi yêu cầu từ phía chủ. Tháng 2 vừa rồi, 14 người đã trốn thoát và tới cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.


Dư luận Thái Lan đang rất bất bình về vấn đề này, vì công việc kinh doanh này chẳng khác nào coi thân xác của người phụ nữ chỉ như một công cụ kinh doanh không hơn không kém, vượt ra ngoài các giới hạn đạo đức. Họ đòi truy tố không chỉ lãnh đạo công ty, mà còn tất cả các cá nhân cũng như tổ chức (bệnh viện, trạm y tế) đã tiếp tay cho Baby 101 trong thời gian qua. Chính phủ Thái Lan muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, đất nước này không phải là một "trại chăn nuôi trẻ sơ sinh".

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Lần đầu tiên phát ngôn viên của OTAN là một phụ nữ

- Trích Kapital; Sofia -

"Cách đây hai mươi năm, không thể tưởng tượng được rằng một người như tôi lại có cơ hội làm việc cho OTAN". Oana Lungescu, tân phát ngôn viên của Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (OTAN), đã bắt đầu bài trả lời phỏng vấn như vậy. Lần đầu tiên Tổ chức quân sự này được đại diện bởi một phụ nữ, thêm nữa lại là người gốc Đông Âu. Điều này cho thấy OTAN đã biến chuyển nhiều thế nào trong thập kỷ gần đây.

Đây là một chặng đường chuyển mình dài mà OTAN vừa đi qua. Oana nhớ lại, lần đầu tiên khi tiếp xúc với Tổ chức vào năm 1997, khi đó bà là phóng viên của đài BBC thường trú tại Bruxelles đặc trách các vấn đề của Liên minh châu Âu và OTAN, "Khi đó việc mở rộng OTAN cho các nước Đông Âu vẫn là một điều hết sức xa vời."


Xa hơn nữa, bà nhớ lại tuổi trẻ của mình, năm 1983, khi bà đang dạy đại học tại Bucarest, bà đã được cục tình báo Rumani đặt đề nghị tuyển mộ thành nhân viên mật vụ của mình. Họ đề nghị bà hoạt động tại nước ngoài với vỏ bọc là một nhân viên ngành du lịch, đổi lại là các chế độ điều trị bệnh ung thư cho bố của bà.

Iona đã từ chối, bà được mật vụ Rumani (Securitate) theo dõi chặt chẽ. Năm 1985, không thể chịu nổi áp lực, bà đã sang Đức để đoàn tụ cùng mẹ. Không lâu sau tiếp tục sang London làm việc cho đài BBC ban tiếng Rumani.

25 năm kể từ ngày Oana rời khỏi Rumani, đất nước này bây giờ đã khác, cũng như Đông Âu giờ đây đã khác, bàn cờ chính trị thế giới giờ đây đã khác, và OTAN vì vậy cũng phải thay đổi theo nói. Có thể trải nghiệm của bà là một điều quý giá đối với OTAN, khi giờ đây, họ cần hiểu những người trước kia khác chiến tuyến với họ theo một chiều hướng khác.

Martina Gantcheva