Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Tràn lan nạo phá thai để chọn giới tính cho con ở Việt Nam

- Trích Le Soir; Bruxelles -

Vẫn có những định kiến về việc sinh con trai hay con gái ở Việt Nam. Từ khi siêu âm được phổ biến, tình trạng nạo phá thai để chọn giới tính cho con được phát triển, hoàn toàn bất hợp pháp và đi ngược lại các giá trị đạo đức, nhưng được sự thờ ơ hay bao dung của xã hội.

Huyền, một người phụ nữ đã ngoài 30 tuổi sống tại Hà Nội. Huyền đã có hai bé gái. Lần mang thai lần này, Huyền giấu gia đình. Chồng cô đã dọa ly dị nếu cô không sinh con trai. Mẹ chồng cũng gây áp lực. Huyền giấu mình đã mang thai, sau tháng thứ 4, cô sẽ đi siêu âm, nếu là con trai, cô sẽ giữ, nếu không co sẽ bí mật phá.


Chính phủ Việt Nam nghiêm cấm phá thai vì lý do giới tính của trẻ, nhưng các bác sĩ ít khi hỏi đến lý do này. Giá cho mỗi ca xử lý từ 500.000 VND cho một thai nhi bốn tháng tuổi và 700.000 VND cho một thai nhi bảy tháng tuổi. Một mức giá nằm trong khả năng của đa số mọi gia đình. Rất ít phụ nữ thú nhận với chồng là đã từng phá thai để chọn giới tính cho con. Nhưng nhiều địa chỉ « tin cậy » được chị em truyền tai nhau. Như Lê, mẹ của một bé trai và một bé gái, đã từng phá thai bốn lần tâm sự.

Do thói quen không sử dụng thuốc tránh thai của một thế hệ. Việc phá thai là một việc hết sức phổ biến tại Việt Nam. Cứ năm trường hợp mang thai thì có một trường hợp đi giải quyết. Các bác sĩ chấp nhận giải quyết đến tuần thứ 18 hay 20, khi đã biết chắc giới tính của thai nhi.

Theo một điều tra của Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc, cứ có 100 bé gái sinh ra, thì tương ứng với sự chào đời của 110,5 bé trai, điều đặc biệt nguy hiểm nữa là tỉ lệ này ngày càng được nới rộng trong năm năm gần đây, và đã vượt qua Trung Quốc cũng như Hàn Quốc về sự lệch tỉ lể giới tính giữa nam và nữ.

Chính phủ cố giảm thiểu tầm quan trọng của vấn đề này, nhưng cũng có ra một thông tư cấm cả trung tâm siêu âm công bố giới tính của thai nhi, điều mà không ai kiểm soát được, cũng như đóng cửa một số website bầy mẹo sinh con trai như ăn cá muối hay giá đỗ.

« Nhưng điều quan trọng nhất là phải thay đổi cách nghĩ ». Ở Việt Nam, con trai có trách nhiệm lo cho bố mẹ khi về già còn con gái lo cho gia đình nhà chồng. Áp lực của gia đình và xã hội đẩy nhiều phụ nữ vào con đường buộc phải phá thai. Tại Hàn Quốc, một phần của vấn đề được giải quyết khi chính phủ có những chính sách bảo trợ người cao tuổi. Ông Dương Qúy Trọng, trưởng ban dân số và kế hoạch hóa phát biểu,  « cần phải cải thiện hệ thống lương hưu, để khi về già người ta không sợ khi không có con trai nữa ». Nếu không có gì thay đổi, một người đàn ông Việt Nam trên mười sẽ không thể lấy vợ khi đến tuổi thành hôn vào năm 2050.

Hervé Lisandre

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Thomas Friedman: Nếu Wikileaks đọc tin ngoại giao Trung Quốc

- Thomas Friedman; The New York Times, New York -

Khi các tin mật mà Wikileaks vừa công bố đang tràn ngập trên tất cả các mặt báo, tôi không thể ngăn tự hỏi mình rằng, nếu Wikileaks cũng đạo được điện tín ngoại giao Trung Quốc, và chúng ta biết được họ nói gì về chúng ta ở Đại sứ quán Trung Hoa tại Washington, thì nội dung bức điện tín có lẽ sẽ thế này:

Từ ĐSQ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Washington, gửi về Bộ Ngoại giao, tại Bắc Kinh, TỐI MẬT. Nội dung: Nước Mỹ ngày nay.

Tất cả mọi thứ diễn ra ở đây đều thuận lợi nhất có thể cho quyền lợi của nước Trung Hoa. Trên bình diện chính trị, Hoa Kỳ là một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, điều này sẽ giúp chúng ta dễ dàng đạt được mục tiêu của mình hơn, là trở thành cường quốc số một thế giới cũng như nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Người Mỹ có thể cãi vã nhau về mọi thứ. Như ví dụ, chúng ta vui mừng khi thấy họ tranh chấp nhau vì bản hiệp ước giảm thiểu vũ khí hạt nhân với Liên bang Nga. Chúng ta thấy phe Cộng hòa có thể bất chấp bất kỳ điều gì chỉ để làm suy yếu tổng thống Obama. Họ sẵn sàng vứt đi bản hiệp ước hợp tác giữa Nga và Mỹ trong vấn đề kiểm soát hạt nhân Iran. Tất cả những gì kéo lại gần nhau Washington và Moscow đều khiến chúng ta bị cô lập, chúng ta cảm ơn thượng nghị sĩ bang Arizona Jon Kyl đã đặt lợi ích của chúng ta trên lợi ích của Hoa Kỳ khi ngăn cản bản hiệp ước không được thông qua tại thượng nghị viện. Ngài đại sứ đã mời thượng nghị sĩ Kyl cùng phu nhân ăn tối tại nhà hàng Tàu Đại Long Đình, để chúc mừng ông ta đã dũng cảm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ (« mà thực chất ra là lợi ích của chúng ta »)

Một cuộc bầu cử, như cách người ta gọi ở đây, vừa diễn ra. Tất cả những gì ta có thể nói, đó là mỗi ứng cử viên đều cố gắng quyên được nhiều tiền nhất có thể, để có thể bịa đặt nhiều nhất về đối thủ trên truyền hình trước khi đối thủ làm điều tương tự với anh ta. Thật nhẹ nhõm cho chúng ta, vì tất cả bọn họ sẽ chẳng làm gì nghiêm túc để giải quyết việc ngân sách của họ bị thâm hụt ngày càng nặng, nền giáo dục của họ ngày càng xuống cấp, cơ sở hạ tầng không được nâng cấp, và lượng các tài năng sang Hoa Kỳ nhập cư đang giảm chóng mặt.

Ngài Đại sứ cũng vừa đi thử tàu cao tốc Hoa Kỳ, Acela, để đi từ Washington tới New York. Nếu tàu cao tốc Bắc Kinh-Thiên Tân của chúng ta sẽ chỉ mất 90 phút để đi hết quãng đường này, thì Acela phải mất ba tiếng. Trên tàu, ngài Đại sứ có gọi về đại sứ quán bằng di động, trong một giờ đàm thoại điện thoại bí ngắt sóng 12 lần. Có một câu tếu táo rằng « nếu bây giờ có ai gọi từ Trung Hoa sang, chúng ta đang tưởng anh ta ở phòng bên cạnh, còn ai gọi từ phòng bên cạnh, chúng ta lại tưởng anh ta gọi từ Trung Hoa » Các đồng nghiệp đang có nhiệm kỳ tại Zambie vẫn thường trêu rằng chất lượng mạng di động ở châu Phi còn tốt hơn ở Mỹ.

Nhưng người Mỹ không hề mảy may có ý thức về điều đó. Họ ít khi ra nước ngoài và họ không biết rằng họ đã bị tụt hậu trong nhiều lĩnh vực. Vì điều đó mà tại đại sứ quán, chúng tôi rất nực cười, khi trên tờ Washington Post ngày 29 tháng 10 vừa rồi, hai thành viên đảng Cộng Hòa là Sarah Palin và Mike Huckabee đã công kích Barack Obama là đã phủ nhận « tính vượt trội của người Mỹ ». Thay vì cố gắng để trở thành người vượt trội, người Mỹ lại thích giải pháp là lúc nào cũng tin rằng mình là người vượt trội. Họ không hiểu rằng sự vượt trội không phải cái có thể tự phong, mà là thứ cần được người khác công nhận.

Về chính sách quốc tế, chúng ta biết Obama sẽ không thể rút quân ra khỏi Afghanistan. Phe Cộng hòa sẽ coi Obama là một thằng hèn. Máu Mỹ sẽ tiếp tục đổ, với cái giá chiến phí 190 triệu USD mỗi ngày. Vì vậy, quân lực Mỹ sẽ không có khả năng để đối đầu với chúng ta ở bất kỳ đâu nữa, đặc biệt là ở Bắc Triều Tiên, khi người anh em của chúng ta cứ sáu tháng lại làm điều gì mình muốn, để người Mỹ phải để năn nỉ chúng ta cố xoa dịu tình hình. Cái ngày mà họ sẽ rời Afghanistan, người dân Afghan sẽ ghét người Mỹ đến độ các công ty khai thác mỏ của chúng ta cứ dần dần mả thâu tóm hết tài nguyên đất nước này.

Đa phần các thành viên của phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đều không tin những gì các nhà khoa học nói, như việc biến đổi khí hậu là do tác động của thói quen sinh hoạt của con người. Các chính trị gia Hoa Kỳ đa phần đều là luật sư. Khác với ở nước chúng ta khi đa số lãnh đạo đều tốt nghiệp kỹ sư hay xuất thân là nhà nghiên cứu. Họ có thể nói nhăng nói quậy về khoa học và sẽ không có ai bắt bẻ họ cả. Điều này có nghĩa là, trong tương lai gần, họ sẽ không thông qua đạo luật về hỗ trợ các phát minh mới trong ngành năng lượng, điều là trọng tâm trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của chúng ta. Hoa Kỳ sẽ không cạnh tranh với chúng ta trong các lĩnh vực năng lượng Mặt trời, Nguyên tử, năng lượng gió, hay sản xuất xe hơi điện.

Và cuối cùng, với lượng kỷ lục các học sinh cấp ba Mỹ học tiếng Trung, chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực tương lai rồi rào sử dụng được tiếng Hoa, chúng ta sẽ dần dùng khoản tiền 2300 tỉ USD dự trữ ngoại tệ của chúng ta để bí mật mua lại các nhà máy Hoa Kỳ. Tóm lại, tất cả đều tốt đẹp cho nước Trung Hoa tại xứ Hoa Kỳ này. Và cảm ơn thượng đế, người Mỹ không đọc được điện tín của chúng ta.

Về tác giả: Thomas Friedman từng là phóng viên thường trú tại Beyrouth và Jerusalem, trước khi thành phóng viên chính thức của tờ The New York Times. Ông là một chuyên gia về cùng Trung Đông, cũng như về chính trị quốc tế. Ông đã nhận được ba giải Pulitzer, tác giả của nhiều đầu sách, mà nổi tiếng nhất là cuốn best seller: Thế giới phẳng.

Bài được đăng trên chuyên trang Tuần Việt Nam của Vietnamnet ngày 28 tháng 12 năm 2010 http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-27-neu-wikileaks-cong-khai-tin-ngoai-giao-trung-quoc

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Trung Quốc - Luật sư bảo vệ người nghèo không có nghĩa "vác tù và hàng tổng"

- Trích The Christian Science Monitor; Boston -

Lưu Bích Phương là một người đàn ông thành đạt. Ông sở hữu một văn phòng luật sư đang phát ở Tế Nam, miền đông Trung Quốc. Ông đi xe Chrysler đen, một biểu tượng cho sự thành công, nhưng ông cũng không che dấu gốc gác nông thôn của mình. Khi ngồi tiếp chúng tôi, ông kéo xếch hai ống quần lên, một thói quen của các nông dân Trung Hoa. Nguồn gốc của mình khiến ông dễ dàng gần gũi với những người thuộc tầng lớp thấp của xã hội.

Ông mở văn phòng luật sư riêng từ năm 1999. Tới năm 2001, ông lập ra thêm một trung tâm hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người lao động ngoại tỉnh. Hiện có 210 triệu người Trung Hoa đã rời bỏ quê nhà để xây dựng sự phát triển thần tốc của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Khác với thế hệ cha ông họ, khi từ nông thôn ra thành thị được coi là thành phần cơ bản bần cố nông được tạo vô vàn ưu đãi. Bây giờ họ chỉ như những công dân hạng hai, với bài toán sổ hộ khẩu không bao giờ hóa giải được, và chấp nhận thiệt thòi trên mọi phương diện.

Khi luật sư Lưu nhận ra một số "thói quen" của chính quyền địa phương đối với dân lao động ngoại tỉnh, là người không hay ca thán, ông quyết định làm một việc gì thiết thực hơn là lên án suông. Ông mở trung tâm tư vấn pháp lý miễn phí, đặt một bàn bóng bán tại phòng chờ của trung tâm, và bắt đầu đi phát tờ rơi nêu rõ quyền lợi của người lao động tại các nhà máy và công trường.

54 luật sư làm việc cho ông Lưu không mấy đồng quan điểm với ông trong vấn đề này. "Nhưng tôi đã phát rất nghiêm với họ" - Ông Lưu cười tươi kể lại. Rồi dần dần họ cũng hiểu. Trung tâm chỉ nhận tiền thù lao một khi giải quyết được xong công việc. "Từ ngày mở cửa, chúng tôi đã giúp 30.000 người và đòi lại được về cho họ 5 triệu Nhân dân tệ tiền lương bị quỵt (735.OO0 USD)."

Tranh trên tờ The Economist (Vương quốc Anh).

Khi Trung Quốc đang dần buộc phải trở thành một nhà nước pháp quyền, vai trò của nghề luật sư ngày càng quan trọng: "Cách đây 30 năm, chúng tôi chỉ giữ vai trò là người đại diện cho khách hàng trước tòa án. Ngày hôm nay, vai trò của chúng tôi dần tiến tới là bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của chúng tôi tại tòa" - ông Lưu nhận xét. Những năm đầu trung tâm của ông đa phần chỉ giải quyết những vụ việc đòi tiền lương bị quỵt, nay nó đã phát triển sang đòi hỏi các quyền lợi khác cho người lao động như quyền được đóng bảo hiểm xã hội, được ký một hợp đồng đúng quy tắc, tiền bồi thường khi bị tai nạn lao động...

Trong phòng làm việc của ông Lưu treo một bức tranh chữ viết thuyết của đức Mạnh tử: "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" - "Lấy dân làm gốc, sau đến xã tắc, cuối cùng mới tới bậc quân hầu." Quan điểm của ông Lưu làm nghề luật sư, nếu không giúp pháp luật bảo vệ những người cần tới nó nhất, những người yếu nhất, thì pháp luật sẽ mất giá trị tồn tại của nó, và nghề của ông cũng vì thế mà chẳng ý nghĩa cần thiết của nó.

- Peter Ford -

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Trào lưu "vượt biên' của các tỉ phú Trung Hoa

- Trích Báo Kinh tế Quan sát và tổng hợp; Bắc Kinh -

Ông Lưu Thanh Sơn không hề có khái niệm về Liên bang Saint Kitts và Nevis nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Nhưng hình ảnh quảng cáo trong lá thư mời của một công ty chuyên giúp các doanh nhân Trung Hoa di cư thu hút ông. Ông tra Google và biết đó là một quần đảo năm trên biển Caraibê, một trong những thiên đường thuế quan, thuộc Khối thịnh vượng chung Anh, việc nhập quốc tịch nước này sẽ không mấy khó khăn, và nó sẽ mở ra nhiều cánh cửa tới các quốc gia tiên tiến khác.

Tranh của Oliver Schopf, Nebelsplalter (Thụy Sĩ).

Ông Lưu năm nay 48 tuổi, ông có một nhà máy sản xuất đồ thủy tinh tại Thượng Hải. Tài sản của ông ước tính khoảng vài trăm triệu Nhân dân tệ. Ông đến buổi giới thiệu của công ty trên vì tò mò là chính. Và ông ngạc nhiên khi trong phòng hội nghị có rất nhiều người như ông. Trên ghế ngồi có đặt sẵn cuốn calalogue giới thiệu bán các villa ở Saint Kitts và Nevis khoảng 700.000 USD, thêm một loạt thủ tục hành chính mà công ty sẽ hỗ trợ làm giúp, đấy là điều cần đủ để có được tâm hộ chiếu của Liên bang này. Ông Lưu đã bắt đầu có ý định di cư sang ngoại quốc từ vài năm trở lại đây. Với các điều kiện mà công ty trên đưa ra khiến ông thêm phân vân hơn bao giờ hết.

Lí Từ, giám đốc điều hành của công ty Maslink, công ty chuyên giúp các doanh nhân Trung Hoa ra đầu tư và định cư ở nước ngoài nói về trào lưu mới này: "Vấn đề hoàn toàn xuất phát từ quan điểm các doanh nhân tư nhân Trung Hoa thường bị xã hội mặc định một hình ảnh rất xấu. - Giàu có đi đôi với trốn thuế và đưa hối lộ. Trong khi các điều kiện đầu tư ở Trung Quốc trên thực tế không phải là tốt. Chưa có sự cạnh tranh công bằng giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Thuế rất cao nếu thực sự "đàng hoàng" mà tính. Cũng như nguy cơ xã hội không ổn định. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng xâu hơn. Ở một nước mà quá khứ về "Cuộc cải cách ruộng đất" cũng như "Cách mạng Văn hóa" chưa phải quá xa. Ngay cả khi chúng ta đã ở thế kỷ 21, chúng ta vẫn có nguy cơ một ngày nào đó phải đối mặt với một cuộc đấu tranh đòi công bằng xã hội của người nghèo chống lại người giàu."

Làn sóng di cư bắt đầu sau vụ ám sát tỉ phú Lí Hải Cường, trùm sắt thép tỉnh Sơn Tây, tài sản đứng thứ 27 Trung Hoa, vào thời điểm năm 2003. Các tỉ phú Trung Hoa đã bắt đầu tính một đường lui cho mình. Sau vụ khủng hoảng kinh tế, nhiều công ty quốc doanh đã phải tự cứu lấy bản thân mình bằng việc lấn lại thị phần của các doanh nghiệp tư nhân khiến điều kiện làm ăn ngày càng khó khăn hơn với nhiều nhà tài phiệt. Các biện pháp triệt hạ mảng doanh nghiệp tư nhân bao gồm việc lôi ra ánh sáng nhiều sai phạm của các công ty này, tiêu biểu nhất là án tù 14 năm đối với Hoàng Quang Dụ, người giàu nhất Trung Quốc, chủ tịch tập đoàn bán đồ điện tử GOME.

Nhà nghiên cứu tài chính Ngô Tiểu Bắc phát biểu: "Hiện nay, số lượng các doanh nhân quyết định ra đi vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ, nhưng trào lưu ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Có thể nói bước ngoặt là vào thời điểm năm 2004, khi một số doanh nghiệp tư nhân đủ tiềm lực đã bỏ mảng gia công sản phẩm và quyết định nhảy sang đầu tư vào các lĩnh vực tài chính và năng lượng, vốn được nhà nước bảo hộ rất mạnh. Việc xung đột quyền lợi giữa hai khu vực quốc doanh và tư nhân khiến một số người cuối cùng phải nản trí và quyết định ra đi. Vụ Hoàng Quang Dụ lại càng chứng minh là gió có thể đổi chiều bất cứ lúc nào đối với các tỉ phú Trung Quốc. Vậy để tự bảo vệ mình, nhiều người đã chọn một giải pháp hạ cánh an toàn hơn.

- Zhang Hong, Li Li và Zhang Bin -

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Đông Âu - Chảy máu chất xám ngành Y tế, làn sóng di cư từ Đông sang Tây

- Trích Suddeutsche Zeitung; Munich -

Hàng năm, hàng chục ngàn bác sĩ Đông Âu từ chức để chuyển sang hành nghề tại Pháp và Cộng hòa liên bang Đức.


"Cám ơn, chúng tôi đi đây." Đây là thông điệp mà 2.500 bác sĩ Cộng hòa Séc gửi tới bộ Y tế nước này. Họ bất bình về mức thu nhập thấp và điều kiện làm việc thiếu thốn của mình. Đồng thời họ đe dọa sẽ từ chức tập thể vào cuối năm nay nếu các điều kiện trên không được ngay lập tức cải thiện trong thời gian sớm nhất. Từ khi các nước Đông Âu ra nhập Liên minh châu Âu EU, bằng cấp của họ được công nhận trong toàn Liên minh, chúng ta đang chứng kiến một làn sóng di cư lớn các bác sĩ và y tá các quốc gia này sang Tây Âu tìm mức thu nhập thỏa đáng hơn. Đức là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhất bởi tình huống này, trong khi chính họ cũng bị chảy máu chất xám khi các bác sĩ Đức thường bị lôi cuốn bởi mức lương siêu hấp dẫn của các nước Bắc Âu và Thụy Sĩ.

Nhưng đối với các quốc gia Trung và Đông Âu, đây lại là một vấn đề lớn. Cộng hòa Séc đã thống kê họ thiếu khoảng 700 bác sĩ, ở những vị trí đang bỏ chống mà họ không thể tìm đước người thế chỗ. Còn Bulgari, bộ trưởng bộ Y tế nước này, bà Anna-Maria Borisova cho biết "Tính trung bình mỗi ngày có một bác sĩ bỏ việc." Nghiêm trọng nhất chắc là Rumani. Từ khi gia nhập EU năm 2007, Bucarest đã mất 6.000 bác sĩ, thêm vào đó là hơn 4.000 y tá. Họ tìm đến Pháp, Đức hay Anh, nơi một bác sĩ làm cùng một công việc được trả lương gấp 10 lần.

Và chắc tình trạng này chắc còn tiếp tục kéo dài. Ở Đức vẫn còn thiếu hơn 5.000 vị trí trong các bệnh viện. Các bệnh viện nước này sẵn sàng trả tiền các khóa học ngoại ngữ, đồng thời nhờ các công ty săn đầu người để thu hút các bác sĩ Đông Âu. Hiện nhiều ý kiến yêu cầu Liên minh Châu Âu phải can thiệp, đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực y tế của mỗi nước, qua đó có một chương trình điều phối hợp lý.

Còn để tạm thời bù đắp nguồn thiếu hụt của mình, các thành viên mới của EU đang nhờ vào nguồn bác sĩ người Belarus, Ukraina, Nga hay Ấn Độ. Nhưng ngay cả các quốc gia giàu có của Tây Âu vẫn đang lo ngại môt làn sóng di cư từ Đông sang Tây mới, mà lần này, chính họ sẽ là nạn nhân. Theo như kế hoạch cải tổ hệ thống y tế Hoa Kỳ của tổng thống Obama, nước Mỹ sắp tới có thể sẽ thiếu 1 triệu y tá.

- Klaus Brill -

Các bài liên quan:

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Rumani - Cấm bác sĩ nhận phong bì, một quyết định ngu xuẩn của chính phủ

- Trích Hotnews.ro; Bucarest -

Thành tựu to lớn nhất của ngành Y tế Rumani trong một thập niên gần đây, đó là "xuất khẩu" bác sĩ: 40% số bác sĩ ngoại quốc đang hành nghề tại Pháp năm 2008 là người Rumani. Hơn một nửa số bác sĩ gây mê mới đăng ký hành nghề tại Pháp trong 3 năm gần đây cũng là người Rumani. Nhưng chắc khóa tốt nghiệp năm 2010 là khóa cuối cùng cho ra lò các bác sĩ Rumani có chất lượng. Nhìn vào điểm thi vào trường Y từ năm 2003, bây giờ chỉ cần điểm trung bình là có thể đỗ.

Vậy tại sao chúng ta lâm vào tình trạng này? Câu trả lời rất đơn giản: Tính vào thời điểm năm 2010, mức lương một lái xe của bộ Y tế còn cao hơn mức lương một bác sĩ mổ. Cứu cánh cuối cùng để thu hút giới trẻ trở thành bác sĩ, những "tấm phong bì", cũng vừa bị chính phủ ra những điều luật cấm mạnh mẽ.

Với một bác sĩ Rumani có mức lương trung bình khoảng 350 euro một tháng, việc nhận phong bì không phải là một việc gì sai trái, mà là một quyền lợi chính đáng của họ. Sự bất lực của chính phủ để trả họ mức thu nhập thỏa đáng được bù đắp bằng sự đóng góp của các bệnh nhân. Những trường hợp bác sĩ vô lương tâm và lạm dụng điều này chỉ là một bộ phận nhỏ. Tôi vẫn quen các giáo sư đầu ngành mổ mà bất kể bệnh nhân có thù lao bồi dưỡng hay không. Đa phần các bác sĩ nhận cái mà các bệnh nhân đưa cho họ, mà không chê nhiều ít hay ra những cái giá cụ thể.

Việc cấm nhận phong bì cùng với cắt giảm 25% lương trong ngành Y tế nhân vụ khủng hoảng kinh tế là quyết định ngu xuẩn của chính phủ Rumani. Nó chỉ ngày càng đẩy nhanh tình trạng chảy máu chất xám trong ngành Y tế đã và đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Chính phủ phải hiểu rằng, điểm xuất phát của những chiếc phong bì, chính là từ sự bất tài của họ.

- Vlad Mixich -

Các bài liên quan:

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Hoa Kỳ - BP dành 20 tỉ USD bồi thường nạn nhân vụ tràn dầu trên vịnh Mexico, nghĩ lại về vụ Vedan!

- Trích Los Angeles Times; Los Angeles và tổng hợp -

Các nhà đàm phán được BP [hãng dầu mỏ British Petroleum] ủy quyền đã bắt tay vào việc. Nhiệm vụ của họ là quản lý quỹ tài sản trị giá 20 tỉ USD mà hãng dầu mỏ Anh quốc đã dành ra để bồi thường các nạn nhân bị ảnh hưởng từ sự cố tràn dầu, sau vụ nổ dàn khoan Deepwater Horizon ở ngoài khơi vịnh Mexico từ cuối tháng 4 năm 2010.

Ngoài việc đang cố khắc phục một trong những thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử thế giới, khi đã có gần 5 triệu baril dầu tràn ra vịnh Mexico. BP còn có trách nhiệm bồi thường hàng vạn việc làm bị ảnh hưởng từ sự cố này một cách trực tiếp hay gián tiếp [dân đánh cá, các hoạt động liên quan đến du lịch v. v.]

Kenneth Feinberg, người phụ trách chương trình bồi thường gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, đã được tổng thống Barack Obama giao nhiệm vụ giám sát quá trình bồi hoàn lần này. Ông Feinberg hứa sẽ đẩy nhanh tiến trình đánh giá các hồ sơ cụ thể. Kể từ khi vụ tai nạn diễn ra, BP đã giải ngân khẩn cấp 368 triệu USD bồi thường các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng hãng dầu khí vẫn bị chỉ trích kịch liệt vì sự chậm trễ trong việc giải quyết các hồ sơ đòi được bồi hoàn, cũng như số tiền bồi hoàn chưa hoàn toàn thỏa đáng. Kenneth Feinberg tự tin đánh giá công việc không khó như những gì người tiền nhiệm của ông trao đổi khi bàn giao: "Vì công việc của BP là khai thác và kinh doanh dầu khí, còn chuyên môn của tôi là đánh giá các hồ sơ được bồi thường."

Như trường hợp của Wayde Bonvillain, một người sống bằng nghề bán cua mai mềm tại Louisiane. BP đã đưa ra đề nghị bồi thường cho anh 143 nghìn USD, tương đương với mức thu nhập trong vòng 6 năm. Nhưng Wayde vẫn lo lắng: "Điều gì đảm bảo sau 6 năm nữa biển ở đây sẽ trở lại bình thường, và sẽ lại có cua để tôi quay trở lại nghề cũ." Câu trả lời của Kenneth Feinberg rất đơn giản: "Nếu trong hồ số của anh, nói rằng anh không thể đánh bắt cá trong vòng 100 năm, vì toàn bộ đáy biển vẫn bị ô nhiễm, và có kèm đánh giá của chuyên gia xác nhận điều này, anh sẽ nhận được số tiền thu nhập mà lẽ ra anh có cho toàn bộ tổng thời gian này. Tôi cam kết điều đó. BP có trách nhiệm trong toàn bộ việc này. Và tôi nghĩ BP có khả năng chi trả cho toàn bộ các hóa đơn mà tôi duyệt."

Từ một thảm họa môi trường không hẳn là chủ quan do lỗi của BP [tai nạn nổ dàn khoan], so sánh với một sự việc Vedan cố ý xả nước thải xuống sông Thị Vải, để rồi suýt được nhận giải thưởng sản phẩm vì sự an toàn sức khỏe trong cộng đồng. Mới thấy việc các trùm tư bản muốn bóc lột dân lao động nước tư bản, nó không giống như những gì chúng ta vẫn được biết. ;)

Các bài liên quan:

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Hoa Kỳ - Một nhà thờ Hồi giáo cạnh Ground Zero? Có thật cần thiết?

- Trích Asharq Al-Awsat; London -

Tổng thống Obama đã có một quyết định vô cùng khó khăn khi tuyên bố ủng hộ cho dự án xây dựng một nhà thờ Hồi giáo ngay cạnh Ground Zero, nơi hơn 3.000 người Mỹ đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố của Al-Qaida ngày 11 tháng 9 năm 2001. Đây là một quyết định đúng đắn về mặt nguyên tắc. Nó thể hiện cái "Nước Mỹ là vậy đấy". Cái "tự do của nước Mỹ" nó là như thế đấy. Trong mọi trường hợp nó luôn tuân thủ quyền tự do tôn giáo của mỗi con người. Nhưng về mặt chính trị thì đây lại là một quyết định sai lầm. Vì ngay cả đối với đại đa số những tín đồ của đạo Hồi, việc có thêm một nhà thờ ở địa điểm chẳng đem lại một ý nghĩa nào cả.

Nó cũng giống như quyết định của tổng thống Obama khi đóng cửa Guatanamo, và chuyển toàn bộ số người đang bị giam giữ sang cho phía dân sự quản lý. Đây là một quyết định đúng đắn về mặt nguyên tắc, đáng để chúng ta trân trọng. Nhưng nó cũng không mang nhiều ý nghĩa. Vì vẫn còn hàng vạn người bị buộc tội liên quan đến các tổ chức khủng bố, và đang bị giam giữ trong những điều kiện còn khủng khiếp hơn ở Guatanamo rất nhiều lần.

Thế giới Hồi giáo đang hy vọng tổng thống Hoa Kỳ có thể đem lại hòa bình cho Trung Đông, có thể giúp người Palestine sớm có một quốc gia độc lập, hơn là ủng hộ cho việc xây dựng một nhà thờ Hồi giáo ngay cạnh Ground Zero.

Hiếm hoi khi thấy một lần, thế giới Hồi giáo lại đồng nhất quan điểm đến như vậy. Không một ai thấy cần thiết có một nhà thờ tại đây. Thấy cần có một biểu tượng cho sự khiêu khích, thách thức và đặt thế giới Hồi giáo quay lưng lại với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Thấy được lợi ích cho một dự án như vậy chắc chỉ có các văn phòng kiến trúc, hay một tổ chức đầu tư đang hy vọng trục lợi nhờ đánh vào sự hiếu kỳ của con người.

Dù vì bất kỳ lý do gì thì đây cũng không phải là một ý tưởng hay. Người Mỹ cần hiểu rằng không phải cuộc sống của họ, mà chính là cuộc sống của người Hồi giáo bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các tổ chức khủng bố. Đã có hai cuộc chiến tranh lớn, nhiều cuộc chiến tranh nhỏ nổ ra, cộng rất nhiều quyền tự do của con người bị rút lại trên lãnh thổ các quốc gia Hồi giáo nhân danh cuộc chiến chống các tổ chức cực đoan.

Một nhà thờ hồi giáo tại đây để làm gì. Một biểu tượng mà các tổ chức cực đoan sẽ lợi dụng để vinh danh các cảm tử quân của họ, một đài tưởng niệm vinh danh vụ khủng bố ngày 11 tháng 9. Hay nó là một cái cớ cho những kẻ thù của đạo Hồi lợi dụng để kích động phong trào bài islam, một biểu tượng của Allah trên nấm mồ của 3.000 người Mỹ là một cái cớ hoàn hảo. Và ta lại hỏi lại một nhà thờ hồi giáo để làm gì, giữa một khu văn phòng, mà tôi chắc chắn rằng chẳng có một cộng đồng dân cư Hồi giáo nào dùng nó để cầu nguyện.


- Abderrahman Al-Rached -

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Trung Quốc và ý định thâu tóm tài nguyên rừng Nhật Bản

- Trích Mainichi Shimbun; Tokyo -

Lư Tiến Sơn, tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu gỗ Trung Quốc có trụ sở đóng gần cảng Nagoya - Nhật Bản, đã tới gặp một nhà trồng rừng người Nhật ở Minami-Kiso, tỉnh Nagano, vào thời điểm tháng 7 năm 2007 và đặt một đơn đặt hàng: "Tôi muốn mua 100.000 mét khối gỗ hinoki (gỗ bách Nhật Bản) mỗi năm". Số lượng này gấp 5 lần tổng khối lượng xuất khẩu gỗ của toàn Nhật Bản trong một năm. "Tôi không có khả năng đáp ứng một đơn hàng lớn như vậy" - Nhà trồng rừng người Nhật trả lời. "Nếu ngài thiếu nhân công để chặt hạ, tôi có thể cung cấp cho ngài nguồn nhân công từ Trung Quốc" - Ông Lư đưa ra giải pháp.



Tranh minh họa của No-rio, Aomori.


Sinh ra và lớn lên tại Thượng Hải, ông Lư Tiến Sơn sang Nhật du học vào năm 1988. Ông đi làm cho một hãng kinh doanh ngành gỗ sau khi tốt nghiệp, trước khi mở công ty riêng của mình. Hiện công ty của ông chuyên về mặt hàng sàn gỗ cao cấp. Ông Lư đặc biệt quan tâm đến gỗ hinoki vùng Kiso, vốn đã rất nổi tiếng từ thời Edo [1603-1868]. Dự án của ông là mua gỗ hinoki tại Nhật Bản, rồi xuất sang Đại Liên, Trung Quốc. Tại đây, gỗ sẽ được xẻ ván trước khi được tái nhập lại tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản, hay được xuất đi các thị trường khác. Phần gỗ rác không thể làm ván lát sàn nhà sẽ được bán cho các nhà thầu Trung Hoa để làm cốp-pha hay cọc hộ đê. Đã có rất nhiều ngân hàng quan tâm đến dự án này cho đến khi khi ngân hàng Hoa Kỳ Lehman Brothers bị phá sản, và nhiều dự án bị đình trệ do thiếu vốn vay.

Hiện nay, giá bán buôn gỗ hinoki là vào khoảng 20.000 yen [230 USD] một mét khối. Bằng một phần tư so với trước khủng hoảng. Theo tính toán mới của ông Lư, nếu dùng nguồn nhân lực Trung Hoa trong việc khai thác, với mức lương trung bình bằng một phần năm mức lương của lao động Nhật, vẫn có thể có lãi nếu bán gỗ hinoki cho thị trường Trung Quốc. Nhưng Hiệp hội các nhà trồng rừng Nhật Bản đã khảng khái bác bỏ dự án này, vì nó không hề tạo công ăn việc làm cho người lao động Phù Tang, mà chỉ khiến cho xứ Mặt trời mọc mất đi nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.

Mọi người đang đặt câu hỏi xem Hiệp hội trồng rừng Nhật Bản sẽ kiên định được trong bao lâu, khi tới 60 % diện tích trồng rừng của Nhật đã đến kỳ hạn đốn hạ, hay họ sẵn sàng để một phần trong số này mục ruỗng tại chỗ. Và ngay cả khi giá gỗ có lại bắt đầu tăng trở lại, sẽ còn rất lâu nữa mới phục hồi lại mức ngành trồng rừng có thể hy vọng có lãi, do giá nhân công Nhật quá cao.

Còn Trung Quốc sau trận lũ lụt lớn năm 1998, với sự kiện vỡ tràn đê sông Trường Giang, đã phải thay đổi suy nghĩ về vấn đề phát triển bền vững. Bắc Kinh đã ra chính sách tái trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, đồng thời khuyến khích nhập khẩu gỗ. Các bạn hàng lớn của Trung Hoa hiện nay là Nga và Bắc Mỹ. Trong kho bãi của ông Lư ở Nagoya, chúng ta có thể đọc trên các container chuẩn bị được tái xuất sang Đại Liên các dòng chữ "thông - Liên bang Nga" hay "phong - Canada". Nhưng ông Lư vẫn hy vọng một ngày, kinh tế toàn cầu sẽ xoay chiều, để ông lại có cơ hội được buôn bán gỗ hinoki Nhật Bản.


- Mamoru Shihido và Yusuke Suikyo -

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Pháp - Hàng Trung Quốc gắn mác "Made in France"

- Trích BusinessWorld; New Delhi -

Nước Pháp, quốc gia luôn có một cái nhìn bi quan về sự toàn cầu hóa, sắp tới có thể phải thay đổi quan điểm của mình. Vì thật trớ trêu khi Trung Quốc, nơi luôn được coi là "phân xưởng của thế giới", nơi người lao động Pháp luôn coi như kẻ thù đã cướp đi công việc làm của họ, lại chuẩn bị đầu tư lớn vào thành phố Châteauroux, thủ phủ tỉnh Indre, một vùng đang bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo thỏa thuận song phương được ký kết vào tháng 6 năm 2009, sẽ có từ 30 đến 50 doanh nghiệp Trung Hoa thuộc các lĩnh vực điện tử và công nghiệp nhẹ mở nhà máy trong dự án Châteauroux Business District, tạo ra hơn 4.000 việc làm, trong đó 80% sẽ dành cho người có quốc tịch Pháp. Chính sách đầu tư Trung Hoa đang copy theo mô hình các doanh nghiệp Nhật trong thập niên 1970 và 1980. Khi đó, các hãng xe hơi Nhật đã di chuyển nhiều dây chuyền sản xuất của mình sang Âu Mỹ để tránh sự bảo hộ thương mại của EU và Hoa Kỳ. Các chỉ trích đối với sản phẩm của họ gần như ngay lập tức bị vô hiệu hóa, vì sản phẩm của họ cũng tạo ra công ăn việc làm tại nước sở tại.

Khác với cách làm của người Nhật, các doanh nghiệp Trung Hoa không di chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất của mình mà chỉ di chuyển dây chuyền lắp ráp. Bước cuối cùng này cho phép sản phẩm của họ được gắn mác "Made in EU" hay "Made in France", và được tự do bán trong EU như hàng hóa châu Âu, cho dù toàn bộ các linh kiện rời được sản xuất tại Trung Quốc, rồi mang tới Pháp qua đường biển.

Người Pháp vẫn đang hết sức dè dặt về sự đầu tư này. Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại hàng hóa Trung Quốc, vốn được nhiều người đánh đồng với sản phẩm kém chất lượng, sẽ làm ảnh hưởng xấu tới thương hiệu "Made in EU". Nhưng cũng có nhiều quan điểm cho rằng nếu phân tích giữa cái được và mất thì điều trên là chấp nhận được, nếu so sánh với số lượng việc làm được tạo ra dành cho người lao động Pháp. Công nhân Pháp vẫn luôn được thấy những mặt tiêu cực của sự toàn cầu hóa, nhưng có thể lần này, họ sẽ được thấy mặt "tích cực" của nó.


- Nayan Chanda -

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Thái Lan - Học sinh phổ thông được phép nghỉ đẻ

- Trích The Nation; Bangkok -

Bộ Y tế Thái Lan đang có ý định thông qua đạo luật cho phép học sinh phổ thông được nghỉ đẻ khi mang thai và trở lại trường học sau khi sinh nở. Phe bảo thủ phê phán kịch liệt dự thảo luật này và coi đó như một hình thức cổ súy cho lối sống buông thả của giới trẻ.

Hiện nay, nhà trường Thái Lan buộc thôi học ngay lập tức mọi học sinh cấp hai khi phát hiện có mang thai. Nhưng rất nhiều em rơi vào hoàn cảnh này do không được giáo dục giới tính một cách đầy đủ từ nhà trường. Chẳng một trẻ thiếu niên nào lại tự nguyện chọn làm mẹ ở tuổi sớm như vậy. Và chẳng có án phạt nào có thể ngăn được tình trạng này, tuần báo The Nation viết tiếp.

Các em gái có quyền được có một cơ hội thứ hai được đến trường. Nếu không, các em sẽ phải chọn một công việc lao động với mức thu nhập thấp, hoặc xa hơn bị đẩy vào con đường mại dâm. Việc đuổi học các học sinh nữ mang thai không phải một giải pháp: vì nó không làm giảm số nữ sinh mang thai trong những năm gần đây. Mà chỉ là một rào cản phi lý cho quyền được tới trường.

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Liên bang Nga - Mại dâm, một việc làm thêm như bao công việc khác

- Trích Ogoniok; Moskva -

Liên bang Nga, tình dục đã trở thành một việc làm thêm như bao công việc khác. Theo một thống kê, có tới 61% phụ ngữ Nga được hỏi đánh giá thật vô nghĩa nếu việc quan hệ tình dục không đi kèm với những lợi ích vật chất. Những đứa trẻ của xã hội tiêu thụ đang dẫm đạp lên những giá trị đạo đức của thế hệ cha ông họ.

Sự "suy đồi" này tất nhiên có xuất phát điểm vì lý do kinh tế. Trong mười lăm năm trở lại đây, những mối quan hệ vì lợi ích vật chất, cao hơn nữa là mại dâm đã ít bị xã hội coi là phi đạo đức hơn. Trong khi các nhu cầu về tiền bạc và vật chất lại leo thang đến chóng mặt. Cơn sốt bất động sản và chứng khoán đã khiến một bộ phận người dân có được mức sống mới. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính khiến một phần trong số này, để giữ được mức sống cũ tương đối sung túc của mình, đã phải nghĩ cách buôn bán cái vốn tự có, thay vì thắt chặt chi tiêu.

Theo một nghiên cứu kinh tế về thị trường mại dâm Nga của hai giáo sư Elena Pokatovitch và Mark Lévine, "ngành công nghiệp" này mỗi năm có doanh thu khoảng 900 triệu USD chỉ riêng với những người coi đây là nghề chính, chưa kể tới đại bộ phận số người mà hoạt động này mang tính chất "không thường xuyên".

Tình trạng này có khởi nguồn từ cuối thập niên 1980, khi tình hình kinh tế Liên Xô cũ trở nên vô cùng khó khăn, nhà nước đã không còn tích cực bài trừ mại dâm, như để người dân có một con đường tạm thoát khỏi đói nghèo, sự lên án của xã hội về mặt đạo đức cũng không còn mạnh mẽ như trước, mại dâm dần bước vào đời sống Nga.

Ngày nay, với giới trẻ Nga, mại dâm không còn như giải pháp để thoát khỏi đói nghèo. Mà với rất nhiều nữ học sinh phổ thông, nữ sinh viên hay nữ lao động trẻ, mại dâm là một nguồn thu nhập để phục vụ các nhu cầu giải trí, rượu và ma túy. Độ tuổi trung bình của người bắt đầu bước vào con đường mại dâm cũng đang giảm mạnh, từ khoảng 18 tuổi cách đây 10 năm, hiện nay con số này đã giảm xuống độ tuổi 15, hay thậm trí 14.

Cũng phải kể đến đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp buôn bán thân xác chính là nhu cầu leo thang của xã hội Nga. Việc "ăn bánh trả tiền" không còn là điều gì đáng xấu hổ, mà ngược lại đối với giới doanh nhân, đây còn là một thứ để phô trương. Việc "tăng 2", "tăng 3" đã là một thứ không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh ở xứ Bạch Dương.


- Vsevolod Beltchenko -

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Việt Nam tạo sức cạnh tranh dựa vào giá nhân công thấp

- Trích Le Soir; Bruxelles -

Ở cổng khu công nghiệp Thăng Long I, gần Hà Nội, hàng chục thanh niên Việt Nam đang đọc các thông báo tuyển việc làm. Với mức lương 1,2 triệu đồng một tháng, họ sẽ làm việc trong các công xưởng được sơn màu trắng của nhà máy các hãng Panasonic, Mitsubishi hay Canon.

Đồng lương của một công nhân Việt Nam làm việc cho một công ty ngoại quốc bằng hai phần ba so với mức lương của một đồng nghiệp Trung Hoa. Tại thời điểm mà giá nhân công đang tăng cao tại Trung Quốc, sau nhiều vụ đình công lớn, Việt Nam thấy đây là một cơ hội để thu hút sức đầu tư nước ngoài.
Đối với những công ty đa quốc gia, Việt Nam hơn bao giờ hết đang có thể đóng vai trò như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc
ông Shinji Okada, giám đốc khu công nghiệp Thăng Long I nơi đang có hơn 50.000 lao động làm việc, đã khẳng định.

Kể từ tháng 5, khi làn sóng đấu tranh xã hội ở Trung Quốc bùng phát mạnh, tập đoàn Nhật Bản Sumitomo, hãng quản lý khu Thăng Long I, đã đón tiếp bốn nhà đầu tư mới. Tiếp đà đó có thêm ba nhà đầu tư khác nối bước vào tháng bảy. Cuối năm, hãng Bosch của Đức sẽ đầu tư một nhà máy trị giá 55 triệu USD chuyên sản xuất linh kiện xe hơi. Vào năm 2011, Nippon Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, sẽ đầu tư vào miền Nam.

Rất nhiều hãng bắt đầu chiến lược "Trung Quốc +1". Như mở một nhà máy ở Trung Quốc cùng một nhà máy ở một nước châu Á khác. "Các hãng như vậy sẽ tạo cho mình khả năng chuyển một phần sản xuất của mình ở nhà máy Trung Quốc sang nhà máy tại Việt Nam theo tình hình tăng giảm giá nhân công", đánh giá ông Mathieu Đỗ Tiến Dũng, phụ trách Việt Nam của nhà sản xuất vi mạch STMicroelectronics.

Trong bao lâu nữa Việt Nam còn giữ được sự cạnh tranh về giá nhân công? Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng bắt đầu có nhiều cuộc đình công liên miên. "Các lãnh đạo của chúng tôi lo lắng điều này nhất", ông Shinji Onishi tâm sự. "Nhất là khi sự đối thoại xã hội không thể tổ chức được. Công nhân ở đây không tham gia công đoàn." Chính phủ không cho phép bất cử tổ chức nào tồn tại mà không trực thuộc đảng Cộng sản Việt Nam.


Hervé Lisandre