Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Barack Obama: người đứng sau cánh gà hơn là dưới ánh đèn sân khấu

- Trích The Washington Post; Washington -

Qua mỗi một cuộc khủng hoảng, mỗi vị tổng thống Hoa Kỳ lại thể hiện rõ con người thật của mình hơn. Với Obama, cách ông hành động qua các cuộc khủng hoảng vừa qua tại Tunisia, Ai Cập, Libya, Bahreïn và Nhật Bản cho thấy đây là một người đàn ông thận trọng, trái ngược lại hoàn toàn những hình ảnh mà ta vẫn thường có sẵn định kiến về một người đứng đầu nước Mỹ.

Những tổng thống Hoa Kỳ của thế kỷ 19 là những người ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế. Phải đợi đến tận Teddy Roosevelt (tại chức từ năm 1901-1909), mới có một vị chủ nhân của nhà Trắng bước chân ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Woodrow Wilson (1913-1921) là người đầu tiên có chuyến công du chính thức sang châu Âu, nhưng bước ngoặt có lẽ là Franklin Roosevelt (1933-1945), người đã đặt vị thế mới cho mỗi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ - đồng thời cũng phải kiêm nhiệm là nhà "lãnh đạo của thế giới tự do" cho đến khi kết thúc chiến tranh lạnh.

Trong hai thập kỷ gần đây, kể từ khi Liên Xô tan rã, mỗi vị tổng thống Hoa Kỳ đặt mình vào vị trí nào trên bàn cờ chính sự thế giới lại tùy thuộc vào tính cách riêng của mỗi cá nhân họ. Trong nhiệm kỳ của Bill Clinton, khi đó nước Mỹ có một thời gian phát triển kinh tế rất bền vững, vừa không có đối trọng nào trên trường quốc tế, Bill Clinton vào vai như một "Tổng thống toàn cầu", đặt ảnh hưởng Hoa Kỳ để giải quyết gần như mọi cuộc xung đột trên thế giới. Còn với tổng thống Georges W. Bush, sau vụ ngày 11 tháng 9, ông có chính sách đơn cực, "hoặc là các anh cùng phe với nước Mỹ, hoặc là kẻ thù của nước Mỹ".


Tại thời điểm hiện tại, có thể Hoa Kỳ không còn điều kiện cho phép người đứng đầu nước Mỹ giữ vai trò như chúng ta vẫn mặc định về họ. Obama đang vào vai một nhà diễn giả, mọi hành động đều nằm trong khuôn khổ một liên minh, hơn là đơn độc hành xử theo ý mình như một tay cao bồi. Obama cũng không ngại để các quốc gia khác có một vai trò quan trọng trong hoạt động của liên minh, điều mà trước đây Hoa Kỳ luôn cố áp đặt mọi thứ.

Nhưng chính sách mềm mỏng này liệu có đủ để có thể đảm bảo những mục tiêu chính của Hoa Kỳ, lả phủ rộng nền dân chủ và ngăn chặn việc phát triển vũ khí hạt nhân. Từ vị thế "là người đàn ông quyền lực nhất thế giới", tổng thống Mỹ ngày nay như một người điều hành buổi họp, ông có thể trông rất thân thiện với nhiều chính khách, nhưng không thể áp đặt ý kiến của mình mạnh mẽ như những người tiền nhiệm.

Những tuần vừa qua cho thấy phần nào năng lực làm việc của Obama. Khi, John Kerry, thượng nghị sĩ bang Massachusetts và đồng thời là chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng nghị viện Hoa Kỳ, đã kêu gọi Washington nhanh chóng can thiệp vào Libya, Obama thì lại đợi Liên hợp quốc cũng như EU. Các cuộc biểu quyết đã kéo dài tới tận ngày 17 tháng 3 mới kết thúc, cho phép Kadhafi có thời gian dành lại quyền chủ động trước phiến quân. Kết quả của việc can thiệp vào Libya là quá muộn hay vừa kịp thời sẽ trả lời cho câu hỏi quyết định của Obama có là sáng suốt hay không.

Ở các đề tài nóng khác, chính sách của Obama cũng thu được những kết quả rất hạn chế. Ví dụ Mỹ không đồng tình việc Ả rập Saudi can thiệp vào nội bộ Bahrein, nhưng cũng không làm gì để ngăn cản cũng như thuyết phục hoàng gia nước này bắt đầu những cải cách xã hội. Với nước Nhật, Obama cũng không khiến nước Nhật cung cấp thông tin rõ ràng hơn về tình trạng thực tế trong cuộc khủng hoảng hạt nhân vừa rồi.

Nhưng nếu nghĩ lại cái giá mà nước Mỹ đã phải trả cho chính sách can thiệp rộng vào các vấn đề quốc tế của mình trong thập kỷ vừa qua, có lẽ rất nhiều người nên ủng hộ Obama. Với những thách thức ở các vấn đề đối nội mà nước Mỹ sắp trải qua, Obama và những người kế nhiệm mình có lẽ sẽ là những người biết kiềm chế hơn trên trường quốc tế.

David J. Rothkopf

Các bài liên quan:

Không có nhận xét nào: