Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Trung Quốc muốn xây dựng "kênh đào Panama trên bộ"

- Trích Semana; Bogotá -

Trung Quốc đang có tham vọng đầu tư vào tuyến đường sắt nối liền hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Colombia. Một dự án đã có từ nửa thế kỷ nay nhưng vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi.


Trung Quốc đang có tham vọng đầu tư vào tuyến đường sắt nối liền hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Colombia. Một dự án đã có từ nửa thế kỷ nay nhưng vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Báo chí Trung Nam Mỹ đang vô cùng hào hứng với kế hoạch đầu tư của Bắc Kinh, vì tuyến đường sắt này có thể sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với kênh đào Panama. Ngoài Colombia, các nước khác trong khu vực gồm Guatemala, Costa Rica, Honduras, Nicaragua, xa hơn nữa là Brazil và Venezuela đều thấy được lợi ích nếu có một tuyến đường bộ nối liền hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt này đã có từ hơn 50 năm nay, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi. Đã không dưới 25 lần tuyến đường dự kiến bị thay đổi. Năm 2010, chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Hoa cùng một nhóm cán bộ công ty Đường sắt Trung Quốc đã gặp tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos, để đề đạt nguyện vọng được đâu tư vào dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 250 km.

Tháng 2 vừa rồi, Tổng thống Juan Manuel Santos đã cung cấp nhiều chi tiết hơn, theo đó ngoài việc xây dựng tuyến đường sắt, Trung Quốc còn đầu tư xây dựng một thành phố mới nằm ở phía nam Cartagena [bên bờ Đại Tây Dương], đây sẽ là một trung tâm lắp ráp sản phẩm trước khi được tái xuất khẩu đi Hoa Kỳ hay các nước Mỹ Latinh khác. Chính phủ Colombia rất hào hứng với kế hoạch này, vì ngoài việc sẽ phát triển một vùng còn hoàng vu của Colombia, đây cũng là một dự án có giá trị lớn với tổng vốn đầu tư là 2,7 tỉ USD.

Nhưng với nhiều chuyên gia, lợi ích thật sự của dự án còn cần được tính toán kỹ. Với những ai còn hoài nghi, đây là một kế hoạch rất tốn kém và khó thu hồi được vốn đầu tư. Nếu theo các tính toán hiện tại, một conteneur qua kênh đào Panama sẽ tốn 100 USD, còn chuyên chở bằng đường sắt sẽ tốn kém gấp 5 lần. Với một tàu chở 12.000 conteneur, cần 30 chuyến tàu hỏa để hoàn thành cùng khối lượng. Chưa kể Colombia phải nâng cấp hệ thống cảng biển bên bờ Thái Bình Dương, và lượng hàng trao đổi từ Châu Á phải tăng vọt nếu dự án muốn có lãi.

Ngoài ra, kênh đào Panama sẽ được mở rộng vào năm 2014, cho phép tàu lớn có thể qua lại, nâng khối lượng 300 triệu tấn hàng hóa trao đổi qua kênh đào hàng năm lên 600 triệu tấn. Panama cũng đang nâng cấp ba cảng Colon, Balboa và Manzanillo cùng hệ thống đường sắt và đường bộ của mình để đáp ứng cho kế hoạch mở rộng này. Thêm một câu hỏi nữa là tại sao một dự án như vậy không được xây dựng tại Trung Mỹ khi tuyến đường nối hai bờ Đại dương sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.

Nhưng với lượng dự trữ ngoại tệ rồi rào của mình, không phải là Bắc Kinh không thể cho phép mình đầu tư vào một dự án như thế này. Đây là một dự án tối quan trọng trong chiến lược phát triển của họ. Trung Hoa đại lục đang cần nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nam Mỹ ở bên bờ Đại Tây Dương [Dầu mỏ Venezuela và than Colombia] cho nền kinh tế của mình. Tất cả các tài nguyên thiên nhiên trên cần được chuyên chở sang bờ Thái Bình Dương. Nếu dự án được triển khai, nhiều khả năng nó sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015. Trung Quốc từ vài năm nay đã xây dựng nhiều tuyến đường sắt đáng kinh ngạc, như tuyến được cao tốc nối Thượng Hải và Hàng Châu dài 220 km được hoàn thành chỉ vỏn vẹn trong vòng 20 tháng.

Nếu Trung Quốc được quyền ưu tiên sử dụng tuyến đường sắt liên Đại Dương này, họ sẽ có cơ hộ tiếp cận thị trường các nước đang phát triển năm bên bờ Đại Tây Dương, một thị trường từ trước đến nay vốn vẫn quá xa vời và tốn kém đối với họ. EU và Hoa Kỳ nên bắt đầu lo ngại về điều này, vì họ không còn là bá chủ duy nhất trên Đại Tây Dương.

Không có nhận xét nào: