Nước Pháp, quốc gia luôn có một cái nhìn bi quan về sự toàn cầu hóa, sắp tới có thể phải thay đổi quan điểm của mình. Vì thật trớ trêu khi Trung Quốc, nơi luôn được coi là "phân xưởng của thế giới", nơi người lao động Pháp luôn coi như kẻ thù đã cướp đi công việc làm của họ, lại chuẩn bị đầu tư lớn vào thành phố Châteauroux, thủ phủ tỉnh Indre, một vùng đang bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo thỏa thuận song phương được ký kết vào tháng 6 năm 2009, sẽ có từ 30 đến 50 doanh nghiệp Trung Hoa thuộc các lĩnh vực điện tử và công nghiệp nhẹ mở nhà máy trong dự án Châteauroux Business District, tạo ra hơn 4.000 việc làm, trong đó 80% sẽ dành cho người có quốc tịch Pháp. Chính sách đầu tư Trung Hoa đang copy theo mô hình các doanh nghiệp Nhật trong thập niên 1970 và 1980. Khi đó, các hãng xe hơi Nhật đã di chuyển nhiều dây chuyền sản xuất của mình sang Âu Mỹ để tránh sự bảo hộ thương mại của EU và Hoa Kỳ. Các chỉ trích đối với sản phẩm của họ gần như ngay lập tức bị vô hiệu hóa, vì sản phẩm của họ cũng tạo ra công ăn việc làm tại nước sở tại.
Khác với cách làm của người Nhật, các doanh nghiệp Trung Hoa không di chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất của mình mà chỉ di chuyển dây chuyền lắp ráp. Bước cuối cùng này cho phép sản phẩm của họ được gắn mác "Made in EU" hay "Made in France", và được tự do bán trong EU như hàng hóa châu Âu, cho dù toàn bộ các linh kiện rời được sản xuất tại Trung Quốc, rồi mang tới Pháp qua đường biển.
Người Pháp vẫn đang hết sức dè dặt về sự đầu tư này. Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại hàng hóa Trung Quốc, vốn được nhiều người đánh đồng với sản phẩm kém chất lượng, sẽ làm ảnh hưởng xấu tới thương hiệu "Made in EU". Nhưng cũng có nhiều quan điểm cho rằng nếu phân tích giữa cái được và mất thì điều trên là chấp nhận được, nếu so sánh với số lượng việc làm được tạo ra dành cho người lao động Pháp. Công nhân Pháp vẫn luôn được thấy những mặt tiêu cực của sự toàn cầu hóa, nhưng có thể lần này, họ sẽ được thấy mặt "tích cực" của nó.
- Nayan Chanda -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét