Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Việt Nam tạo sức cạnh tranh dựa vào giá nhân công thấp

- Trích Le Soir; Bruxelles -

Ở cổng khu công nghiệp Thăng Long I, gần Hà Nội, hàng chục thanh niên Việt Nam đang đọc các thông báo tuyển việc làm. Với mức lương 1,2 triệu đồng một tháng, họ sẽ làm việc trong các công xưởng được sơn màu trắng của nhà máy các hãng Panasonic, Mitsubishi hay Canon.

Đồng lương của một công nhân Việt Nam làm việc cho một công ty ngoại quốc bằng hai phần ba so với mức lương của một đồng nghiệp Trung Hoa. Tại thời điểm mà giá nhân công đang tăng cao tại Trung Quốc, sau nhiều vụ đình công lớn, Việt Nam thấy đây là một cơ hội để thu hút sức đầu tư nước ngoài.
Đối với những công ty đa quốc gia, Việt Nam hơn bao giờ hết đang có thể đóng vai trò như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc
ông Shinji Okada, giám đốc khu công nghiệp Thăng Long I nơi đang có hơn 50.000 lao động làm việc, đã khẳng định.

Kể từ tháng 5, khi làn sóng đấu tranh xã hội ở Trung Quốc bùng phát mạnh, tập đoàn Nhật Bản Sumitomo, hãng quản lý khu Thăng Long I, đã đón tiếp bốn nhà đầu tư mới. Tiếp đà đó có thêm ba nhà đầu tư khác nối bước vào tháng bảy. Cuối năm, hãng Bosch của Đức sẽ đầu tư một nhà máy trị giá 55 triệu USD chuyên sản xuất linh kiện xe hơi. Vào năm 2011, Nippon Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, sẽ đầu tư vào miền Nam.

Rất nhiều hãng bắt đầu chiến lược "Trung Quốc +1". Như mở một nhà máy ở Trung Quốc cùng một nhà máy ở một nước châu Á khác. "Các hãng như vậy sẽ tạo cho mình khả năng chuyển một phần sản xuất của mình ở nhà máy Trung Quốc sang nhà máy tại Việt Nam theo tình hình tăng giảm giá nhân công", đánh giá ông Mathieu Đỗ Tiến Dũng, phụ trách Việt Nam của nhà sản xuất vi mạch STMicroelectronics.

Trong bao lâu nữa Việt Nam còn giữ được sự cạnh tranh về giá nhân công? Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng bắt đầu có nhiều cuộc đình công liên miên. "Các lãnh đạo của chúng tôi lo lắng điều này nhất", ông Shinji Onishi tâm sự. "Nhất là khi sự đối thoại xã hội không thể tổ chức được. Công nhân ở đây không tham gia công đoàn." Chính phủ không cho phép bất cử tổ chức nào tồn tại mà không trực thuộc đảng Cộng sản Việt Nam.


Hervé Lisandre

Không có nhận xét nào: