Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Trung Quốc và ý định thâu tóm tài nguyên rừng Nhật Bản

- Trích Mainichi Shimbun; Tokyo -

Lư Tiến Sơn, tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu gỗ Trung Quốc có trụ sở đóng gần cảng Nagoya - Nhật Bản, đã tới gặp một nhà trồng rừng người Nhật ở Minami-Kiso, tỉnh Nagano, vào thời điểm tháng 7 năm 2007 và đặt một đơn đặt hàng: "Tôi muốn mua 100.000 mét khối gỗ hinoki (gỗ bách Nhật Bản) mỗi năm". Số lượng này gấp 5 lần tổng khối lượng xuất khẩu gỗ của toàn Nhật Bản trong một năm. "Tôi không có khả năng đáp ứng một đơn hàng lớn như vậy" - Nhà trồng rừng người Nhật trả lời. "Nếu ngài thiếu nhân công để chặt hạ, tôi có thể cung cấp cho ngài nguồn nhân công từ Trung Quốc" - Ông Lư đưa ra giải pháp.



Tranh minh họa của No-rio, Aomori.


Sinh ra và lớn lên tại Thượng Hải, ông Lư Tiến Sơn sang Nhật du học vào năm 1988. Ông đi làm cho một hãng kinh doanh ngành gỗ sau khi tốt nghiệp, trước khi mở công ty riêng của mình. Hiện công ty của ông chuyên về mặt hàng sàn gỗ cao cấp. Ông Lư đặc biệt quan tâm đến gỗ hinoki vùng Kiso, vốn đã rất nổi tiếng từ thời Edo [1603-1868]. Dự án của ông là mua gỗ hinoki tại Nhật Bản, rồi xuất sang Đại Liên, Trung Quốc. Tại đây, gỗ sẽ được xẻ ván trước khi được tái nhập lại tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản, hay được xuất đi các thị trường khác. Phần gỗ rác không thể làm ván lát sàn nhà sẽ được bán cho các nhà thầu Trung Hoa để làm cốp-pha hay cọc hộ đê. Đã có rất nhiều ngân hàng quan tâm đến dự án này cho đến khi khi ngân hàng Hoa Kỳ Lehman Brothers bị phá sản, và nhiều dự án bị đình trệ do thiếu vốn vay.

Hiện nay, giá bán buôn gỗ hinoki là vào khoảng 20.000 yen [230 USD] một mét khối. Bằng một phần tư so với trước khủng hoảng. Theo tính toán mới của ông Lư, nếu dùng nguồn nhân lực Trung Hoa trong việc khai thác, với mức lương trung bình bằng một phần năm mức lương của lao động Nhật, vẫn có thể có lãi nếu bán gỗ hinoki cho thị trường Trung Quốc. Nhưng Hiệp hội các nhà trồng rừng Nhật Bản đã khảng khái bác bỏ dự án này, vì nó không hề tạo công ăn việc làm cho người lao động Phù Tang, mà chỉ khiến cho xứ Mặt trời mọc mất đi nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.

Mọi người đang đặt câu hỏi xem Hiệp hội trồng rừng Nhật Bản sẽ kiên định được trong bao lâu, khi tới 60 % diện tích trồng rừng của Nhật đã đến kỳ hạn đốn hạ, hay họ sẵn sàng để một phần trong số này mục ruỗng tại chỗ. Và ngay cả khi giá gỗ có lại bắt đầu tăng trở lại, sẽ còn rất lâu nữa mới phục hồi lại mức ngành trồng rừng có thể hy vọng có lãi, do giá nhân công Nhật quá cao.

Còn Trung Quốc sau trận lũ lụt lớn năm 1998, với sự kiện vỡ tràn đê sông Trường Giang, đã phải thay đổi suy nghĩ về vấn đề phát triển bền vững. Bắc Kinh đã ra chính sách tái trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, đồng thời khuyến khích nhập khẩu gỗ. Các bạn hàng lớn của Trung Hoa hiện nay là Nga và Bắc Mỹ. Trong kho bãi của ông Lư ở Nagoya, chúng ta có thể đọc trên các container chuẩn bị được tái xuất sang Đại Liên các dòng chữ "thông - Liên bang Nga" hay "phong - Canada". Nhưng ông Lư vẫn hy vọng một ngày, kinh tế toàn cầu sẽ xoay chiều, để ông lại có cơ hội được buôn bán gỗ hinoki Nhật Bản.


- Mamoru Shihido và Yusuke Suikyo -

Không có nhận xét nào: