Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Trẻ em đến từ Fukushima bị kỳ thị tại nơi tị nạn

- Trích Tokyo Shimbun; Tokyo -

Bị cho rằng có khả năng gây lây nhiễm chất phóng xạ sang người khác, những trẻ em đến từ Fukushima đang bị hắt hủi và ức hiếp tại những nơi mà mình đi lánh nạn. Nhật báo Tokyo Shimbum đánh giá nên khẩn cấp lên án và đấu tranh chống lại hiện tượng này.


Vào tháng 3, những trẻ em đến từ Fukushima khi đang chơi tại một công viên tại Funabashi (tỉnh Chiba) đã bị những đứa trẻ bản địa ức hiếp. Sở giáo dục Funabashi đã được phản ánh điều này, và gửi đi một thông báo tới tất cả học sinh thuộc 813 trường học thuộc địa bàn mình quản lý, kêu gọi các em có những hành động đoàn kết hơn, cả trong lời nói và hành động của mình. Đây không phải là hình thực duy nhất là dân đang đi lánh nạn của Fukushima phải hứng chịu sự kỳ thị. Một số khách sạn từ chối cho dân đang đi sơ tán thuê phòng. Một số khác đòi sở Y tế phải xác nhận rằng di dân không gây nguy hiểm cho họ. Tất cả có thể chỉ xuất phát từ nỗi sợ hãi, nhưng đã làm tổn thương những người đang đi lánh nạn, những người đã phải thực sự hứng chịu quá nhiều điều không may mắn trong thời gian gần đây.

Dù rằng đây không phải là tình trạng đại trà, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, người dân đến từ Fukushima đang phải chịu đựng nhiều thiệt thòi từ cách đối xử của người khác. Giáo sư đầu ngành của đại học Tokyo, Kazuhiko Maekawa, đã phải lên tiếng: "Người dân ở vùng ngoại vi Fukushima chưa hề tiếp xúc với chất phóng xạ. Không có một lý do gì để kỳ thị họ cả".


Trong lịch sử, do thiếu thông tin, những người sống sót sau hai vụ ném bom tại Hiroshima và Nagasaki cũng đã phải hứng chịu nhiều làn sóng khai trừ. Họ khó kiềm được việc làm hay lập gia đình. Con và cháu của họ, khi sinh ra với sức khỏe bình thường cũng phải hứng chịu những điều tương tự. Năm hiệp hội những cựu nạn nhân của tỉnh Nagasaki đã yêu cầu thủ tưởng Nhật Naoto Kan phải có những hành động để chống lại nạn "kỳ thị hibakusha" (hibakusha có nghĩa là những người bị nhiễm xạ).

Trách nhiệm của chính phủ là phải cung cấp được những thông tin chính xác nhằm trấn an được dư luận. Sự lo lắng của các bậc phụ huynh sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Chính vì vậy mà sở giáo dục Funabashi cũng đề nghị toàn bộ phụ huynh hợp tác, tìm hiểu cụ thể các vấn đề của tai nạn hạt nhân lần này, nhằm xóa bỏ những nghi ngại không đáng có. Đang có hơn 3000 học sinh tiểu học và trung học từ Fukushima được chuyển đến các trường ở bốn tỉnh Tokyo, Chiba, Saitama và Kanagawa. Chúng tôi hy vọng các em sẽ có cuộc sống bình yên ở những nơi đang đón tiếp mình. Các em vừa trải qua ba biến cố lớn: trận động đất, trận sóng thần rồi cuộc khủng hoảng hạt nhân. Chúng ta hãy giúp các em không phải chịu thêm một niềm đau mới nữa.

Không có nhận xét nào: